Thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam có thể đạt 0,88 tỷ USD trong năm 2024
Ngày 14-3, nghiên cứu ngành gọi xe Việt Nam năm 2024 (Vietnam Ride Hailing 2024), do hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence thực hiện, đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam.
Nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam với đặc thù dân số đô thị và thu nhập khả dụng ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về các lựa chọn giao thông thuận tiện, đặc biệt là những người đi làm ở thành thị và các chuyên gia trẻ.
Đặc điểm này kết hợp cùng mức độ phổ cập cao của điện thoại thông minh, kết nối internet, dân số trẻ… đã thúc đẩy thị trường dịch vụ gọi xe nói chung và dịch vụ gọi xe công nghệ nói riêng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng.
Nghiên cứu cho biết, thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam năm 2023 đã đạt quy mô 727,73 triệu USD, có thể đạt 0,88 tỷ USD năm 2024 và tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm trong giai đoạn 2024-2029 ở mức 19,5%.
Dự báo này đồng nghĩa dư địa và tiềm năng tăng trưởng rất tốt, với quy mô thị trường có thể tăng gấp đôi sau khoảng 4-5 năm.
Nhận thấy tiềm năng, các công ty trong ngành đang tập trung vào việc ra mắt dịch vụ và đầu tư mới như giao hàng và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, cũng như xây dựng các liên doanh mới vào các thị trường và phân khúc mới trong lĩnh vực tiêu dùng và vận tải.
Nghiên cứu cũng cho biết, thành phố Hồ Chí Minh hiện là thị trường gọi xe lớn nhất Việt Nam. Trong đó, các nền tảng Grab, Be, Gojek và Xanh SM đang “thống trị" trong lĩnh vực kỹ thuật số của thị trường dịch vụ gọi xe.
Báo cáo cũng chỉ ra, sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tác động tích cực tới ngành gọi xe công nghệ Việt Nam. Dịch vụ này đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ hai tại Việt Nam trong quý IV-2023, chỉ sau hơn 7 tháng chính thức gia nhập thị trường.
Thị phần của Xanh SM hiện đã gấp 2 lần so với đối thủ từng nắm giữ vị trí thứ 2 thị trường trước đó là Be Group (tương ứng 18,17% so với 9,21%).