Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh vẫn khó tuyển dụng lao động
Khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, hơn 18,6% gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động các tháng đầu năm.
Cung cấp thông tin tại tại họp báo về kinh tế - xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 14-3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau Tết là dịp các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để bổ sung vào lực lượng lao động đã nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn hoặc tăng quy mô lao động để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động hiện còn gặp một số khó khăn nhất định. Theo kết quả khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có hơn 18,6% doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động trong các tháng đầu năm.
Theo đó, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong công tác tuyển dụng lao động gồm: Lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp chiếm 68,6%; tiền lương, tiền thưởng thấp chiếm 20,9%; điều kiện làm việc (môi trường, an toàn lao động, chế độ quản lý...) chiếm 5,9%, các lý do khác chiếm 4,4%.
Mặt khác, người lao động luôn quan tâm đến chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, chế độ phúc lợi, đồng thời có nhiều sự lựa chọn để thay đổi môi trường làm việc; một số lao động có sự dịch chuyển việc làm từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức tạm thời nên chưa quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Một lực lượng không nhỏ lao động lựa chọn quay về quê để làm việc tại các khu công nghiệp ở tỉnh nhà.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động, trong đó triển khai mô hình thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe, nhà ga trên địa bàn thành phố; tiếp tục tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động tìm hiểu, trao đổi và thỏa thuận trước khi quyết định vào làm việc.
Về phía các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, chủ động trong việc nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện kết nối cung - cầu lao động, vừa giải quyết việc làm cho người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm đến chế độ tiền lương, thưởng, phúc lợi để thu hút người lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lao động lớn.