Công nghệ

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Hà Nội: Nhiều ưu thế vượt trội

Thu Hằng 14/03/2024 - 07:00

Nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương, lần đầu tiên Việt Nam công bố bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Theo kết quả vừa công bố, thành phố Hà Nội dẫn đầu Bảng xếp hạng PII 2023 với nhiều ưu thế vượt trội.

t5-khcn.jpg
Thành phố Hà Nội có số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm đầu cả nước. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan Triển lãm Kết quả phát triển tài sản trí tuệ Hà Nội năm 2023.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cân bằng tốt nhất

Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột, gồm có 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Thể chế; vốn con người và nghiên cứu, phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, tác động.

Theo kết quả xếp hạng PII 2023, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất 62,86 điểm với đầu vào đổi mới sáng tạo đạt 62,55 và đầu ra đổi mới sáng tạo đạt 63,17.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhận xét, Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế - xã hội như chỉ số phát triển con người.

“Hà Nội có những điểm mạnh và có điểm chưa mạnh, nhưng tổng thể Hà Nội là địa phương có các điểm cân bằng tốt nhất, có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ cân bằng nhất so với các địa phương khác. Vì vậy, điểm trung bình của Hà Nội là điểm tốt nhất”, Thứ trưởng Hoàng Minh nêu rõ.

Còn theo Phó Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Văn Nghĩa - đại diện đơn vị xây dựng và triển khai PII, Hà Nội có những số liệu vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác. Thành phố đạt điểm tuyệt đối ở các cấu phần về nhân lực nghiên cứu phát triển, cũng như mức chi cho hoạt động này. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại đây cũng đạt 100 điểm. Ở đầu ra, số lượng tài sản trí tuệ (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước...

Tuy nhiên, bảng xếp hạng cũng chỉ ra các điểm yếu của Hà Nội thông qua một số chỉ số, như: Chi cho giáo dục; cơ sở hạ tầng chung; tỷ lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đào tạo STEM/STEAM...

Khâu đột phá chiến lược

Với Hà Nội, kết quả PII 2023 là không quá bất ngờ. Năm 2022, Hà Nội cũng dẫn đầu khi có số điểm về chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất (61,07 điểm) trong số 20 địa phương thử nghiệm PII 2022.

Trước đó, thành phố đã xác định, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đây chính là động lực phát triển mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trên địa bàn Thủ đô tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và có 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

Thành phố đang triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là chương trình có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ làm thay đổi nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn là nguồn lực quan trọng cho Thủ đô Hà Nội trong việc phát triển nhanh và bền vững. Chương trình số 07-CTr/TU tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Thực tế thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện, thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước. Thành phố cũng có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là các dự án quy mô lớn, chất lượng cao.

Phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, tuy dẫn đầu Chỉ số PII 2023 nhưng những kết quả về hoạt động đổi mới sáng tạo của Hà Nội thời gian qua được ghi nhận chưa tương xứng với lợi thế của Thủ đô. Nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả. Việc cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các cơ chế, chính sách còn chậm; thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường khoa học, công nghệ; cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố thấp...

Như Thứ trưởng Hoàng Minh đã nói rõ, mục đích của bộ Chỉ số PII không phải là so sánh, xếp hạng giữa các địa phương mà là mô tả thực trạng của từng địa phương để các địa phương xác định biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết các tiềm lực, khả năng của mình để có chính sách và điều chỉnh. Đặc biệt sự điều chỉnh này sẽ dựa theo hướng phát triển của các địa phương bởi mỗi địa phương sẽ có đặc thù khác nhau và định hướng phát triển khác nhau.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, thông qua số liệu về đo lường, đánh giá từ bộ Chỉ số PII2023, Hà Nội có được tầm nhìn tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực về năng lực đổi mới sáng tạo, qua đó sẽ phát huy thế mạnh và khắc phục những điểm còn tồn tại của mình. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học... trên địa bàn cùng vào cuộc.

Hiện Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới; hình thành và phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ Trung ương, Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới; nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo; tiếp tục quan tâm phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô.

“Hà Nội đang triển khai “Mạng lưới Sáng kiến Thủ đô” và phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân để phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển Thủ đô”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho hay.