Nghị quyết và Cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội: Đổi mới, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội

Theo TTXVN 13/03/2024 - 20:43

Chiều 13-3, Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được tổ chức tại Nhà Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì hội nghị.

o-hue-1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng 5 năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai đầy đủ, hiệu quả, trách nhiệm của mỗi bên được ghi trong Quy chế phối hợp. Hai bên phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân kịp thời, bài bản, chất lượng hơn, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội cao hơn, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát nhịp nhàng, chặt chẽ hơn. Những nội dung cử tri và nhân dân quan tâm đều được giám sát ở các cấp độ khác nhau. Hầu hết các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia.

Công tác giám sát đã giúp cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết rốt ráo nhiều việc, như công tác phòng, chống dịch Covid-19, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; điều chỉnh những bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

o-hue-2.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Tiếp cận từ góc độ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cảm nhận sâu sắc hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới. Vai trò, vị thế của cơ quan dân cử được nâng lên, hiệu lực, hiệu quả hơn; được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Quốc hội thật sự đồng hành cùng với Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; kịp thời tạo hành lang pháp lý giải quyết những việc khó, việc mới chưa có tiền lệ. 5 kỳ họp bất thường đã gỡ được nhiều "nút thắt", được doanh nghiệp, người dân và các địa phương ghi nhận, hoan nghênh.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã có sáng kiến lập pháp, tạo được cơ sở pháp lý, góp phần vào thành công trong phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quốc hội thực sự coi trọng, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân. Hằng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về công tác dân nguyện, có ý kiến chỉ đạo kịp thời; đưa nội dung giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ra thảo luận và ban hành Nghị quyết - đây là điểm mới, rất đáng trân trọng…

Phối hợp hiệu quả, tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

o-hue-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên đã luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội điểm lại 5 nội dung hai bên đã phối hợp. Đó là đã phối hợp rất chặt chẽ, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phối hợp tốt trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hai bên đã luôn phối hợp hiệu quả trong việc tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân tộc, tôn giáo, những vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội; đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong xây dựng pháp luật, nhất là với đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật cư trú, Luật xuất nhập cảnh; chủ động phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, nhất là các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp trong tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

o-hue-4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai bên quán triệt sâu sắc chủ trương "Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; phát huy dân chủ trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại chỉ đạo tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng để các quyết sách của Quốc hội thực sự vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; phát huy cao độ dân chủ trong hoạt động của Quốc hội và trong xã hội để mọi quyết sách của Quốc hội đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc, phụng sự lợi ích của đất nước, của nhân dân, để Quốc hội thực sự xứng đáng là người đại diện xứng đáng của nhân dân.

Cho biết, Nghị quyết 43 của Trung ương giao Ðảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, Chủ tịch Quốc hội mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong xây dựng pháp luật với tinh thần "từ sớm, từ xa".

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát; xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát năm 2025 của mỗi bên; phân công đại diện tham gia hoạt động giám sát theo Chương trình giám sát của mỗi bên. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với kinh nghiệm thực tiễn góp ý tích cực để Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, khả thi, giải quyết được các vấn đề vướng mắc.

Hai cơ quan tiếp tục cố gắng tạo chuyển biến trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác dân nguyện nói chung.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hai bên phối hợp khẩn trương, tích cực để sửa đổi Nghị quyết liên tịch 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Nghị quyết 753 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND; ban hành Nghị quyết liên tịch ba bên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; duy trì các hội nghị liên tịch thường niên và đột xuất bàn về nội dung phối hợp công tác; tăng cường chia sẻ thông tin hoạt động của mỗi bên và tăng cường phối hợp đối ngoại Quốc hội với đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc.

Với kết quả đạt được trong hơn 5 năm qua, với tinh thần "hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân", Chủ tịch Quốc hội tin tưởng năm 2024 và các năm tiếp theo, sự phối hợp công tác giữa hai cơ quan tiếp tục cải tiến, đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chung được giao, góp phần "phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".