Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế kiểm tra việc xả nước thải phóng xạ của Nhật Bản
Sáng 13-3, hãng tin CNA cho biết, người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên hợp quốc đã tới Nhật Bản để kiểm tra việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, đồng thời thảo luận về hợp tác với Tokyo trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đây là lần đầu tiên Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi tới Nhật Bản kể từ khi việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý diễn ra. Động thái này cũng diễn ra cùng dịp Nhật Bản đánh dấu tròn 13 năm trận động đất và sóng thần đã gây ra thảm họa Fukushima.
"Ngày này có một ý nghĩa đặc biệt ở Nhật Bản. Thảm họa gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng dẫn đến "tăng cường liên kết và hợp tác giữa IAEA và Nhật Bản", Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi chia sẻ trong cuộc gặp Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shintaro Ito.
Năm 2011, trận động đất kèm sóng thần lớn đã làm hỏng nguồn cung cấp điện và chức năng làm mát lò phản ứng của nhà máy Fukushima, gây ra ba vụ tan chảy và khiến một lượng lớn nước thải phóng xạ tích tụ. Sau hơn một thập kỷ dọn dẹp, nhà máy bắt đầu xả nước sau khi xử lý và pha loãng với một lượng lớn nước biển vào ngày 24-8-2023, một quá trình dự kiến sẽ mất nhiều thập kỷ.
Việc xả thải đã bị phản đối quyết liệt bởi một số hiệp hội đánh bắt cá và các nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc. Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu đối với tất cả hải sản Nhật Bản ngay sau khi việc xả thải bắt đầu.
Về phần mình, Nhật Bản luôn viện vào sự giúp đỡ của IAEA trong công tác giám sát và đánh giá an toàn để xoa dịu những lo ngại liên quan.