Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sinh thái
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội phải là nơi trung chuyển, phân phối nông sản an toàn cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, hiện sản xuất nông nghiệp của Thủ đô mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân, có mặt hàng đáp ứng từ 70% đến 80%, tùy từng nhóm sản phẩm; còn lại là phải nhập từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Đối với vấn đề phát triển nông nghiệp Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền từng nhấn mạnh: Với điều kiện của Hà Nội hiện nay, trọng tâm không nằm ở sản xuất mà là sản xuất gì, mô hình nào phù hợp điều kiện sinh thái, bảo vệ môi trường, xứng tầm kinh tế Thủ đô. Do đó, nền nông nghiệp của Hà Nội phải là nền nông nghiệp của chất xám trong sản xuất, quy mô không quá lớn song phải là công nghệ cao, chất lượng và giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, nông nghiệp Hà Nội phải khai thác được thế mạnh về sinh thái, văn hóa để hình thành nền nông nghiệp có đặc thù riêng. Là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, văn hóa… vì vậy Hà Nội cũng phải là trọng điểm của kinh tế thị trường, là vùng trung chuyển, kết nối kinh tế các tỉnh, thành phố lân cận.
Với hướng đi đó, những năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang hình thành các mô hình ứng dụng cao, sản phẩm chất lượng và giá trị. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thiết lập chuỗi sản xuất với các tỉnh, thành phố, hình thành chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, giá trị cao.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ, công ty đã hình thành chuỗi các cửa hàng tại Hà Nội để đưa nông sản từ các tỉnh về Hà Nội. “Với điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp Hà Nội ngày một thu hẹp, các doanh nghiệp nông nghiệp ở Thủ đô cần kết nối với các tỉnh để cung ứng nông sản cho người dân. Hiện sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) bán trong hệ thống BigGreen đang chiếm khoảng 60-65% và công ty đang có 85 điểm OCOP ở 25 quận, huyện, thị xã. Tại những điểm OCOP này, các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh bạn”, ông Nguyễn Tiến Hưng thông tin.
Với định hướng là trung tâm của trung chuyển, kết nối, Hà Nội đã và đang làm tốt công tác liên kết, qua đó hình thành các kênh cung ứng nông sản chất lượng, an toàn cho người dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu phối hợp với 43 tỉnh, thành phố chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Hà Nội đang đi đúng hướng. Với điều kiện con người, chất xám và là trung tâm kinh tế, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần khai thác thế mạnh này. Kinh tế nông nghiệp không đơn thuần là sản xuất, mà là hiệu quả của mô hình sản xuất đó ra sao, phù hợp với điều kiện Hà Nội thế nào.
Theo đó, nông nghiệp Hà Nội phải là cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng “chất xám” cao cho các tỉnh lân cận. Đồng thời, phải nâng cao được tính kết nối thị trường, khai thác thế mạnh từ thị trường để có mô hình phù hợp. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thông thường dành cho các địa phương khác. Thành phố cần tạo ra quỹ đất hợp lý gắn với cơ sở hạ tầng thuận lợi và môi trường sinh thái cho các thành phố vệ tinh đã quy hoạch. Hình thành các không gian để phát triển vùng đệm sinh thái của Hà Nội, nơi nông nghiệp phát huy được thế mạnh.