Ký ức thời chiến trong tiểu thuyết bằng tranh “Sống”
Cuốn tiểu thuyết bằng tranh “Sống” của tác giả Hải Anh và Pauline Guitton sáng tác, không chỉ kể câu chuyện về thời chiến mà còn chứa đựng những khoảnh khắc giao cảm của mẹ và con gái, của quá khứ và hiện tại, của sự kết nối hai nền văn hóa Việt Nam - Pháp.
Sáng 12-3, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức giao lưu ra mắt cuốn tiểu thuyết bằng tranh “Sống” của tác giả Hải Anh - một người trẻ Pháp gốc Việt và Pauline Guitton - một họa sĩ Pháp.
Trong “Sống”, một người mẹ kể cho con gái những ký ức ly kỳ xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu. Với hai tuyến thời gian quá khứ và hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một thiếu nữ cố gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu; một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và cội nguồn.
Bối cảnh tuyến thời gian trong quá khứ là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc từ năm 1969 tới năm 1975. Trong 7 năm sống tại chiến khu, cô thiếu nữ Linh (trong ký ức của người mẹ) đã làm quen các chiến sĩ cách mạng, những người đưa cô đến với kháng chiến cũng như đến với điện ảnh.
Người đọc gặp hình ảnh cô thiếu nữ Linh cùng cha mình và những người đồng đội sống, làm việc, làm phim đầy đam mê trong thiếu thốn và bom rơi, bão đạn…
Đan xen với những kỷ niệm quá khứ của người mẹ là cuộc sống hiện tại, được khắc họa dưới góc nhìn của người con gái. Cô thiếu nữ tên Linh ngày nào giờ đã trở thành một đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam. Người con gái mang dòng máu Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp gặp rất nhiều khó khăn để có thể kết nối với người mẹ sống trong thời chiến, kết nối với cội nguồn Việt Nam trong mình. Theo từng câu chuyện, người con dần hiểu rõ hơn về người mẹ, về quá khứ của dân tộc để từ đó thông cảm, sẻ chia, tạo dựng chiếc cầu nối rút ngắn khoảng cách thế hệ và văn hóa.
Tác giả Hải Anh sinh năm 1993, lớn lên tại Pháp, đã có bằng Thạc sĩ Kinh tế học văn hóa và bằng Điện ảnh. Hiện, cô làm việc trong lĩnh vực nghe nhìn và xuất bản, đi lại giữa Việt Nam và Pháp. Còn họa sĩ Pauline Guitton sinh năm 1993, tại Pháp, là bạn của Hải Anh. Cô từng theo học mỹ thuật và tốt nghiệp ngành Điện ảnh hoạt hình. Hai người có khoảng thời gian cùng sang Việt Nam sinh sống và thực hiện cuốn tiểu thuyết bằng tranh “Sống” - cuốn sách đầu tay của cả hai.
“Sống” cũng là câu chuyện có thật về Hải Anh và mẹ - đạo diễn Việt Linh. Bà Việt Linh sinh năm 1952 tại thành phố Hồ Chí Minh, là một đạo diễn và nhà biên kịch. Bà đã từng ở chiến khu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và theo học điện ảnh tại Nga. Bà là đạo diễn của nhiều bộ phim như: “Gánh xiếc rong”, “Chung cư”, “Mê Thảo, thời vang bóng”... Hiện, bà vẫn tiếp tục làm việc và mở sân khấu kịch Hồng Hạc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi giao lưu, bạn đọc lắng nghe những chia sẻ của các tác giả và nhân vật trung tâm tác phẩm "Sống" - đạo diễn Việt Linh về tuổi trẻ một thời hoa lửa nơi chiến khu. Qua đó, bạn đọc thấu hiểu hơn về cuộc sống của những thế hệ đi trước, biết thêm về cuộc sống của những người Việt Nam thế hệ thứ hai ở nước ngoài, từ đây, tiếp thêm lòng tự hào dân tộc.
“Sống” lần đầu ra mắt tại Pháp đầu năm 2023. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuốn sách đã nhanh chóng gây ấn tượng với độc giả với 8.000 bản phát hành. Trước đó, ngay từ khi còn là bản thảo, “Sống” đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất bản dành cho những tác phẩm xuất sắc bằng Pháp ngữ - La Scam. Đầu năm 2024, vượt qua nhiều tác phẩm sách minh họa Pháp ngữ, cuốn sách đoạt Giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024 tại Pháp.