Đề cao những “báu vật sống”
Thành phố Hà Nội vừa quyết định tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ năm 2023 cho 42 cá nhân.
Như vậy, kể từ khi UBND thành phố ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội tại Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 18-5-2009, đến nay đã trải qua 7 lần xét tặng và đã có 290 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu này.
Phải khẳng định, những nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ đều là những cá nhân tâm huyết với nghề, là “linh hồn”, “báu vật sống”, đã, đang đóng góp trí tuệ, công sức, kinh nghiệm để lưu giữ, phát triển các làng nghề của Thủ đô.
Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trách nhiệm đối với mỗi cá nhân được trao tặng. Khẳng định, họ là lực lượng được các cấp chính quyền và nhân dân gửi gắm niềm tin, với mong muốn các nghệ nhân làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống của làng nghề cho muôn đời sau.
Với ý nghĩa đó, việc có thêm những nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các làng nghề phát triển một cách bền vững. Bởi hiện nay, Hà Nội đang có số lượng làng nghề cao nhất cả nước, với tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 319 làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội đã được thành phố công nhận.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc ứng xử với những nghệ nhân làng nghề như thế nào để giúp làng nghề tồn tại và phát triển đang là “bài toán” nan giải đặt ra cho nhiều địa phương. Với Thủ đô Hà Nội, việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ trong nhiều năm qua được đánh giá là bước đi đột phá, thể hiện trách nhiệm không chỉ trong việc bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn hướng tới phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Theo đó, những “linh hồn” của làng nghề sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sẽ có trọng trách tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp; trong đó, được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền và dạy nghề, thuế thu nhập khi chuyển nhượng mẫu mã sáng tác cho đơn vị, cá nhân sản xuất; được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn trong nước theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, hoạt động nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ; được trưng bày, giới thiệu miễn phí các sản phẩm do chính nghệ nhân làm ra khi tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế theo kế hoạch phê duyệt…
Có thể khẳng định, khi những nghệ nhân được tạo điều kiện về mọi mặt, chắc hẳn họ sẽ có những đóng góp không nhỏ cho làng nghề phát triển. Đó chính là mục tiêu và động lực không chỉ của riêng những nghệ nhân, mà cả làng nghề và các cấp chính quyền địa phương.
Trên tinh thần đó, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cần làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị làng nghề. Đặc biệt, bằng những cách làm hiệu quả, các nghệ nhân cần lan tỏa mạnh mẽ tình yêu với nghề truyền thống đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ở góc độ chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, cần tiếp tục thực hiện việc đánh giá, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ đúng quy định hiện hành, tránh tuyệt đối những sai sót không đáng có, dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, gây bức xúc dư luận.
Cùng với đó, cần quan tâm đến đời sống và ghi nhận đúng giá trị để các nghệ nhân toàn tâm, toàn ý cống hiến sức lực, trí tuệ cho việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Bởi chỉ khi đời sống được nâng lên, họ mới có thể dành thời gian truyền dạy và chăm lo việc phát triển nghề.