Nông nghiệp - Nông thôn

Luật Đất đai 2024 (sửa đổi): Hướng tới nông nghiệp đa giá trị

Bạch Thanh 11/03/2024 - 06:25

Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai. Đặc biệt, những quy định mới liên quan đến đất nông nghiệp trong luật tạo hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đa giá trị; kỳ vọng hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang…

2s2a8860.jpg
Theo Luật Đất đai 2024 (sửa đổi), người sử dụng đất sẽ có thêm quyền chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, qua đó giúp các đơn vị, cá nhân thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang Thái

Đòi hỏi cấp bách từ đời sống

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, các tổ chức kinh tế trong nước (hợp tác xã, doanh nghiệp) đang sử dụng 669.113ha, chiếm 5,7% diện tích đất nông nghiệp; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 5.992ha, chiếm 0,05% diện tích. Với nông hộ, khoảng 18,8 triệu người, chiếm 34,5% tổng số lao động, sử dụng 90% diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu quy mô nhỏ... Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng... Cả nước hiện có hàng trăm nghìn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tại Hà Nội, đất nông nghiệp bỏ hoang mỗi năm gia tăng 2.000-4.000ha...

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhiều năm, Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Nông nghiệp công nghệ cao cần xây dựng các khu nhà màng, nhà kính, nhà lưới, đóng gói nông sản... Làm nông nghiệp không chỉ cần đất và tiền mà còn cần năng lực, ý chí, tâm huyết. Để không thất bại khi đầu tư vào nông nghiệp, mong Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) cùng thông tư, nghị định hướng dẫn bảo vệ quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân...

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần nhất là mặt bằng sạch, cơ chế chính sách tích tụ ruộng đất rõ ràng, có hành lang pháp lý bảo vệ; trong quá trình xây dựng, tổ chức sản xuất cần quỹ đất cho khâu dịch vụ gia tăng giá trị nông sản như sơ chế, đóng gói, bảo quản, quảng bá sản phẩm...

chinh-sach-ve-dat-nong-nghi.jpg
Chính sách về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ảnh: Công Đạt

Kỳ vọng được “cởi trói”

Cập nhật điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, chính sách về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai tập trung ở hai khía cạnh: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Khái niệm “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” không còn bao gồm “hộ kinh doanh” như Luật Đất đai năm 2013. Liên quan quyền sử dụng đất, với đất nông nghiệp, người sử dụng đất thêm quyền chuyển đổi sử dụng đất. Đây là yếu tố mở rộng, cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp để thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Luật cũng cho phép người sử dụng đất chuyển đổi quyền sử dụng đất với cá nhân khác trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh mà không phải nộp thuế thu nhập và lệ phí trước bạ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, những chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang, không hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi họ có vốn, có khả năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) nêu, quy định về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) tạo 2 tác động tích cực: Thứ nhất là yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân. Thứ hai là mở ra các vấn đề tăng giới hạn, hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ tập trung đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Cùng với luật hóa hai khái niệm “tích tụ” và “tập trung” đất nông nghiệp, Luật khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích (người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được kết hợp thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...). Khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (50 năm), cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tiếp tục được sử dụng đất theo thời hạn mà không phải làm thủ tục gia hạn.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, trong chính sách pháp luật đất nông nghiệp giải quyết được hai vấn đề: Một là, tăng khả năng kêu gọi đầu tư; hai là, giải quyết được vấn đề nội tại, nông dân có thể tăng năng lực thông qua tích tụ tập trung đất đai. Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) nâng tính hấp dẫn và giá trị của đất nông nghiệp; tạo điều kiện đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, tạo nền nông nghiệp xanh, đa giá trị; kỳ vọng tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kết hợp du lịch nông nghiệp bài bản. Chắc chắn Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...