Hà Nội kết nối

Phụ nữ trung niên cần “trợ lực” để ổn định kinh tế gia đình

Nguyễn Lê 10/03/2024 13:14

Phụ nữ thường khó khăn hơn nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động cũng như cơ hội khởi nghiệp, nhất là phụ nữ tuổi trung niên. Vì vậy, đối tượng này rất cần được “trợ lực”.

quang-canh.jpg
Quang cảnh buổi thảo luận.

Ngày 10-3, Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức buổi thảo luận truyền hình (talk show) “Phụ nữ thời đại mới” năm 2024 với chủ đề “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên”.

Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết, hiện có 4 vấn đề đặt ra ảnh hưởng đến người lao động: Thứ nhất, do kinh tế còn khó khăn nên một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn “đóng băng”, thu hẹp quy mô sản xuất; thứ hai, do sức mua giảm, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp phần lớn là lao động phổ thông nên dễ mất việc; thứ ba, hiện nay, người lao động bị thách thức bởi đầu vào tăng, doanh nghiệp lại chịu sức ép chi phí quản lý, dẫn đến tiền lương của người lao động giảm; thứ tư, người lao động trung niên là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất.

Tiếp lời, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (chuyên gia xã hội học và phát triển) đặt vấn đề: Từ giờ đến khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, người phụ nữ, đặc biệt tuổi trung niên sẽ xoay xở ra sao?

luong-thi-toi.jpg
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lượng Thị Tới.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lượng Thị Tới cho biết, trong năm 2023, thành phố có tới trên 4,7 triệu lao động tham gia các thành phần kinh tế. Trung bình, mỗi năm thành phố thu hút khoảng 310.000 lượt lao động vào làm việc, chiếm trên 46%.

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận lượng lao động nữ chiếm 46,5%, tập trung chủ yếu ở các ở lĩnh vực: Da giày, may mặc, hoạt động thương mại dịch vụ…

Dự báo, năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 4,8 triệu lao động. Nhu cầu nhân lực chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 71,3%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm trên 28,5%... Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm trên 9,8%.

“Sở sẽ chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố… theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chuỗi lao động, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, làm ảnh hưởng đến việc làm hoặc mất việc làm của người lao động. Đồng thời, rà soát và tổ chức thực hiện đúng các nghị định, các chế độ, chính sách cho người lao động, giảm thiểu tình trạng biến động lao động”, bà Lượng Thị Tới cho hay.

tran-thi-phuong-hoa.jpg
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Phương Hoa.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Phương Hoa, nhiều năm qua, hội đã có nhiều đề án hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin, nhất là các sàn giao dịch việc làm, thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Thông qua các sự kiện kết nối cùng các doanh nghiệp, các đơn vị, đặc biệt các cơ sở đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động với các dịch vụ, hoạt động mà phụ nữ trung niên có thể tiếp cận hoặc khởi nghiệp bằng chính nghề của mình. Đơn cử, ngày 8-3 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã ký với các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng gần 10 tỷ đồng cho các chương trình để đào tạo nghề miễn phí cho chị em.

“Các chương trình không chỉ hỗ trợ cho các chị về nghề mà có những trường hợp khó khăn, chúng tôi cũng vận động để hỗ trợ các phương tiện lao động”, bà Trần Thị Phương Hoa cho hay.