Những trang viết lặng thầm vun đắp hoà bình, hữu nghị
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh hiện công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), là người có sức viết mạnh mẽ. Với tôi, chị không chỉ mang sứ mệnh của một nhà văn mà quan trọng hơn, đó là sứ mệnh vun đắp hòa bình và tình hữu nghị.
1. Tôi gặp Phạm Vân Anh sau khi chị cùng các nhà văn Việt Nam kết thúc những ngày giao lưu với văn nghệ sĩ Hàn Quốc. Chị kể, trong chuyến đi đến khu phi quân sự giữa hai miền Nam, Bắc Triều Tiên, khi nghe chị nói về những sáng tác góp phần vun đắp sự hòa hợp, tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc của mình, các nhà văn Hàn Quốc tỏ ra ngạc nhiên, thích thú. Cũng không lạ, bởi ngay cả tôi khi nghe chị nói, nhìn những gì chị đã làm được trong khoảng 10 năm qua cũng có chung tâm lý ấy.
Dù sức khỏe mấy năm nay không được tốt nhưng Phạm Vân Anh luôn biết sắp xếp thời gian để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Chị tiếp tục học thạc sĩ quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, đặc biệt là sáng tác và viết 14 đầu sách các thể loại. 5 năm qua, chị đã có nhiều tác phẩm văn học được xuất bản, gồm trường ca “Sa mộc”, các cuốn bút ký “Đường biên cương dệt mùa xuân”, “Binh pháp chống dịch”, “Theo dấu phù sa”, “Những người anh em trong lòng dân tộc”, “Những người phất cờ hồng”... và mới đây là tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”. Chị cũng là tác giả kịch bản và đồng đạo diễn loạt phim tài liệu lịch sử 30 tập “Những trang sử biên thùy”, là đạo diễn, biên kịch của nhiều phim tài liệu, phóng sự ấn tượng về BĐBP và tình quân dân nơi biên giới, có nhiều sáng tác thơ, nhạc.
Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Phạm Vân Anh. Cảm nhận của tôi là cuốn nào ra cuốn ấy, ngồn ngộn chất văn, đầy tính nhân bản, mang lại cho người đọc thông tin và cảm hứng về cuộc đời tươi đẹp. Các tác phẩm của chị gần đây là sản phẩm của nhiều năm tích lũy từ những chuyến đi đến khắp các vùng miền cả nước.
2. Tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” ra đời cuối tháng 10-2023. Chị đã dựng lại sự kiện “có một không hai” trong lịch sử Việt Nam - Trung Quốc, khi Bộ đội Cụ Hồ và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc phối hợp tiến hành chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (từ tháng 6 đến tháng 10-1949), bằng ngôn ngữ văn học và hình tượng nghệ thuật. Cuốn sách ngợi ca tinh thần yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Phạm Vân Anh không được đào tạo sâu về nghiệp vụ quản lý, chỉ huy quân đội cũng như về chiến thuật tác chiến nhưng câu chuyện chị viết về chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn lại hết sức sinh động, hấp dẫn. Theo Phạm Vân Anh, để có được những lời văn chân thực ấy, chị phải tự học rất nhiều. Chị đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm gặp nhân chứng ở các địa phương phía Bắc như Đại tá Hoàng Long Xuyên ở Thái Nguyên, cựu chiến binh Thân Văn Nhã ở thành phố Bắc Giang..., những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.
Phạm Vân Anh có cách viết giản dị, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và ăm ắp thông tin, đặc biệt là cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, tạo cho người đọc hứng thú. Ví như 16 bài bút ký của cuốn “Dặm dài Tổ quốc” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2023), đó không chỉ là cảm xúc chân thật của một người lính trước thiên nhiên hay những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, La Hủ, Mảng, Pà Thẻn, Ngái, Bố Y, Lự, Si La, Cống, La Ha, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu..., mà còn là sự đồng cảm và tình yêu của nữ nhà văn với vùng đất, con người nơi phên giậu Tổ quốc. Cuốn sách chứa đựng không ít thông tin có tính chất nghiên cứu, phát hiện chiều sâu, rất cần thiết với đội ngũ cán bộ công tác tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và BĐBP.
3. Sinh ra vào đầu những năm 1980 ở thành phố Hoa phượng đỏ, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Trung, Phạm Vân Anh đầu quân vào BĐBP với vai trò là phóng viên Báo Biên phòng, sau rẽ sang làm Phó Giám đốc Điện ảnh - Truyền hình BĐBP và hiện là Trợ lý tuyên huấn tại Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP. Ngoài công việc này, chị còn “gánh" nhiệm vụ Chi hội phó Chi hội Nhà văn quân đội. Chị tâm sự, văn chương “là một cách nhìn đời, bày tỏ suy nghĩ hiện thực và tác động trở lại để xã hội nhân văn hơn, tốt đẹp hơn” nên chị sẽ luôn kiên định với suy nghĩ ấy để công tác, sáng tác và hoạt động vì cộng đồng.
10 năm trở lại đây, Phạm Vân Anh tham gia hầu hết chương trình giao lưu đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên giới với vai trò tác giả kịch bản kiêm phó tổng đạo diễn, như chương trình: “Biên cương thắm tình hữu nghị” giữa lực lượng bảo vệ biên giới 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông; Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”..., góp phần tạo nên những điểm nhấn đặc biệt trong công tác đối ngoại quốc phòng và viết nên những bài ca đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị.
Nhưng, những thông tin trên chỉ là bề nổi. Trong sâu thẳm Phạm Vân Anh còn những góc khuất ít người biết. Những năm qua, chị là người có sáng kiến xây dựng mô hình “Vườn cây khăn quàng đỏ” và đã thí điểm trồng hơn 6.000 cây giống tại 4 trường trung học cơ sở ở Quảng Trị, Hà Giang và Lạng Sơn; mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” đã trao hơn 10.000 con ngan giống tặng các gia đình khó khăn tại Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên Huế... Chưa hết, mặc dù bộn bề công việc lại đang nuôi con nhỏ nhưng nữ nhà văn vẫn nhận đỡ đầu nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Tôi phát hiện điều này một cách hết sức tình cờ. Hôm ấy, khi tôi và Phạm Vân Anh đang trò chuyện về ý tưởng kịch bản cho bộ phim mới thì chị có điện thoại gọi tới. Vài phút sau, chị hồ hởi nói "con gái gọi và thông báo được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của tỉnh Hà Tĩnh”. Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích đó là một trong những người con đỡ đầu của chị. Chị kể, từ năm 2020, với sự giúp đỡ của BĐBP tỉnh Quảng Trị, chị nhận đỡ đầu hai cháu mồ côi người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa và Đắk Rông (Quảng Trị). Tiếp đó, khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của hai nữ sinh mồ côi bố và mẹ bị câm điếc, không nghĩ ngợi nhiều chị đã nhận đỡ đầu, giúp các cháu tiếp tục hành trình chinh phục tri thức... Trong câu chuyện của chị, tôi luôn cảm nhận được tấm lòng nhân ái, tình mẫu tử. Chị nói: “Hạnh phúc là được cống hiến. Hãy luôn mở cửa trái tim rồi tình yêu, hạnh phúc và cả những thành công sẽ đến”.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Hãy nhặt những chữ ở đời để viết nên trang”. Vâng, quả là vậy, chỉ là nhặt chữ thôi nhưng sao nó cuốn hút, đam mê và đầy mê hoặc mà không phải ai cũng có bản lĩnh để theo đuổi. Với tôi, sứ mệnh mà Phạm Vân Anh theo đuổi và có được trong những năm tháng vừa qua giống như một bầu trời đêm hè đầy sao lấp lánh. Đó là sứ mệnh của tình nhân ái trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, và xa hơn là sứ mệnh vì một nền hòa bình, thịnh vượng giữa các quốc gia, dân tộc.
Tính đến nay, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã giành được hàng chục giải thưởng ở các loại hình âm nhạc, văn học, báo chí, điện ảnh; 12 giải thưởng cấp toàn quân, toàn quốc về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2022, chị được trao giải thưởng Vừ A Dính. Năm 2023, chị được Hội Nhà báo quốc gia Hàn Quốc phối hợp với Liên đoàn Nhà báo quốc tế tại Hàn Quốc trao giải thưởng cho tác giả người nước ngoài “vì đã có những cống hiến mang tính thời đại cho sự phát triển của văn học và nghệ thuật ở Việt Nam, thúc đẩy giao lưu văn học, văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam và giao lưu văn học, văn hóa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia".