Người phụ nữ trong thơ Việt
Chúng ta luôn hướng về những người phụ nữ thân yêu với tất cả lòng biết ơn vô hạn, nhất là khi tháng Ba về. Với dân tộc Việt Nam, khởi xuất từ loại hình văn hóa nông nghiệp, trọng âm, trọng nữ, thơ ca Việt Nam từ thuở ca dao đã dành rất nhiều những lời yêu thương cho những người mẹ, người chị thầm lặng hy sinh, vun vén cho đời sống kinh tế và hạnh phúc gia đình.
Đó là đức hy sinh vì tương lai con cháu mai sau mà không hề nghĩ đến bản thân mình: “Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái: “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”; cùng vẻ đẹp như thiên thần của những người con gái gắn bó với cảnh vật tự nhiên làm say lòng bao chàng trai trẻ: “Trúc xinh trúc mọc đầu đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh”...
Khi nền văn học viết ra đời, bị sự o ép nặng nề bởi lễ giáo Nho gia của các triều đại phong kiến, thân phận người phụ nữ đã được nhiều nhà thơ đồng cảm với những tuyệt tác “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, và khẳng định vị trí xã hội qua thơ Hồ Xuân Hương...
Trong các cuộc kháng chiến, chúng ta biết ơn những người mẹ Việt Nam đã sinh ra và nuôi nấng những người con đã hiến thân cho những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc: “Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im” ("Đất nước" - Tạ Hữu Yên); biết ơn những người vợ sống trong thời chiến, giữ trọn tuổi trẻ chờ chồng qua cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ: “Như vậy đó, một mình thầm khóc/ Mà chờ chồng suốt hai cuộc chiến tranh” ("Chị" - Mai Bá Ấn); biết ơn những người phụ nữ trực tiếp hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cùng cả nước dấn thân vào cuộc chiến:
“Các em mấy năm bám trụ nơi đây
Gánh đá phá bom tải hàng dựng lán
Đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống
Mà tình yêu không hóa đá bao giờ
Xe chúng tôi qua các em mừng vẫy tay
Chắc sau giòn giã tiếng cười
Nước mắt sẽ thầm rơi
Trên những gương mặt lành màu nắng gió”
("Thử nói về hạnh phúc" - Thanh Thảo).
Trong thời bình, những người phụ nữ Việt Nam lại tiếp tục cống hiến cho xã hội trên nhiều mặt, vừa chăm việc nước vừa đảm việc nhà. Đặc biệt, trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, những người phụ nữ ngành Y được cả nước vinh danh là những nữ “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch với lòng tri ân sâu sắc: “Mái tóc đen dài mềm mượt lưng thon/ Em chăm chút yêu chiều duyên con gái/ Đã bao lần gặp em tôi ngoái lại/ Cứ ngẩn ngơ hương tóc thoảng trong chiều/.../ Mái tóc đen dài từng chăm chút nâng niu/ Em cắt ngắn vào ca cho khỏi vướng” ("Thương quá, tóc dài ơi" - Cao Xuân Hiệu).
Đề tài về người phụ nữ luôn là một đề tài vĩnh cửu của thơ ca, được rất nhiều thế hệ các nhà thơ khám phá. Đây là lời ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh - một người vợ hát cho chồng nghe trong mối tương quan cùng người mẹ chồng đáng kính:
“Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ”
(“Mẹ của anh” - Xuân Quỳnh).
Còn đây lại là lời của người chồng ngợi ca một cách chân thành về vai trò của người vợ trong việc giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc gia đình. Lưu Quang Vũ đã khẳng định rằng chính tình yêu của người vợ đã giúp cho những người đàn ông vượt qua bao giông bão cuộc đời và nhờ em mà “anh tồn tại”:
“Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
(“Và anh tồn tại” - Lưu Quang Vũ).
Vâng! Những người mẹ, người vợ, người yêu chính là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca.