Hà Nội thực hiện cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập: Tăng tính tự chủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Hà Nội đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố. Qua đó giúp các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng hiệu quả nguồn lực tài sản, ngân sách, nhân lực; nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động.
Những kết quả ghi nhận
Cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và các chỉ đạo của Trung ương; Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 6-7-2022 “Triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội sang tự chủ tài chính năm 2021 và giai đoạn 2022-2025”. Kế hoạch đặt mục tiêu, đến năm 2025, tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ tự chủ về một số nội dung như: Được quyết định số lượng người làm việc; được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động.
Với sự vào cuộc tích cực, tính đến hết năm 2023, Hà Nội có 2.621 đơn vị đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó có 178 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 1.226 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 1.217 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Là trường công lập đầu tiên thực hiện tự chủ cả về tổ chức bộ máy và biên chế, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Cao Thanh Nga thông tin, đơn vị đã có nhiều biện pháp để sử dụng các nguồn tài chính, tiết kiệm các khoản chi, dành nguồn kinh phí để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên. Nhờ đó, trường là đơn vị có thu nhập bình quân tăng thêm cao nhất (6 triệu đồng/tháng) trong 127 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội...
Trong khi đó, là đơn vị đã thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trung tâm đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công, nhằm tạo nguồn thu, giảm chi từ ngân sách nhà nước, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Qua đó đã phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện…
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Một số đơn vị sự nghiệp công lập còn trông chờ vào ngân sách nhà nước, chưa phát huy tích cực tính chủ động, sáng tạo của đơn vị. “Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài chủ quan còn có yếu tố khách quan khi các bộ, ngành chưa ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời cho địa phương trong việc triển khai công tác tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập”, bà Nguyễn Thị Liễu nói.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền tự chủ
Hà Nội đã giao chỉ tiêu nâng mức tự chủ đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc giao tự chủ tài chính quan trọng nhất là phải có danh mục sự nghiệp công và định mức, đơn giá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã xảy ra một số vướng mắc khi việc xây dựng định mức, đơn giá phụ thuộc vào văn bản quy phạm pháp luật và phải phụ thuộc vào việc xin ý kiến các bộ.
Hiện nay, thành phố đã ban hành 58 định mức kinh tế - kỹ thuật và thời gian tới phải ban hành 224 định mức kinh tế - kỹ thuật, trong đó có 14 định mức cần sửa đổi, bổ sung. Thành phố cũng đã ban hành 36 đơn giá và phải tiếp tục ban hành 252 đơn giá, bao gồm 20 đơn giá phải sửa đổi, bổ sung.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền về việc phân cấp, ủy quyền phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm tăng cường trách nhiệm, tăng tính chủ động và cải cách thủ tục hành chính để nâng cao vai trò của thủ trưởng, người đứng đầu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý tài sản công, tăng nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp và nâng mức tự chủ tài chính.
Để việc phân cấp, ủy quyền triển khai có hiệu quả, thành phố tập trung sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm tính đủ các chi phí hình thành giá dịch vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Thành phố cũng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao nhận thức của các đơn vị về việc chuyển từ ngân sách nhà nước hỗ trợ theo cơ chế cấp phát sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ...
----------
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại:
Hoàn thành định mức kinh tế, kỹ thuật trong năm 2025
Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ tiêu là 2 đơn vị theo lộ trình nâng mức tự chủ đến năm 2025 đạt 100% tự bảo đảm chi thường xuyên. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định giao quyền tự chủ tài chính năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 cho 7 đơn vị trực thuộc Sở.
Về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp tháng 12-2023 đối với danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội. Ngay sau khi được HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để trình UBND thành phố ban hành. Thời gian hoàn thành định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá sẽ được sở thực hiện xong trong năm 2025.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến:
Chủ động, tự chịu trách nhiệm với công việc được giao
Hiện nay, 100% đơn vị sự nghiệp thuộc quận Ba Đình đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, với cơ chế làm việc và phân công lao động trên nguyên tắc “Chủ động, tự giác, tự chịu trách nhiệm với công việc được giao”, mỗi cán bộ, viên chức của từng đơn vị đều tự ý thức hoàn thành tốt công việc, luôn có tinh thần phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ về chuyên môn, trình độ quản lý, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của từng đơn vị. Hằng năm, các đơn vị sự nghiệp đã thực hiện tiết kiệm chi để chi trả tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, quận Ba Đình cho rằng cần sớm ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do Nhà nước quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở cho các địa phương tiếp tục triển khai và thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn:
Thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục mầm non, phổ thông
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai công tác thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục mầm non, phổ thông; theo đó đã chuyển từ hình thức cấp dự toán chi thường xuyên sang hình thức đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục công lập.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phê duyệt phương thức đặt hàng cung cấp dịch vụ giáo dục sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước của thành phố năm học 2023-2024 đối với 118 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành các quyết định thực hiện thí điểm đặt hàng dịch vụ giáo dục năm học 2023-2024 đối với 178 cơ sở giáo dục trực thuộc.
Theo phương án tự chủ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao các đơn vị năm 2024, 118 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở sẽ nâng mức tự chủ chi thường xuyên năm 2024, đạt 35% số đơn vị phải nâng mức tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2024-2025.
Mai Hữu ghi