Ứng dụng công nghệ chiếu xạ kiểm dịch trái cây tươi: “Giấy thông hành” cho nông sản xuất khẩu
Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ chiếu xạ như một biện pháp kiểm dịch bắt buộc khi xuất, nhập khẩu trái cây tươi. Tại Việt Nam, với việc làm chủ công nghệ này, chúng ta có thêm “giấy thông hành” để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.
Phương pháp kiểm dịch hiệu quả
Công nghệ chiếu xạ là quá trình chiếu bức xạ ion hóa lên sản phẩm để diệt trừ các mầm bệnh, sinh vật tồn dư, qua đó có thể bảo quản sản phẩm khỏi nguy cơ nhiễm bệnh và ngăn chặn sự lây lan của các loài sinh vật xâm hại. Đây là một trong những phương pháp kiểm dịch nhanh, hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng thời gian bảo quản cho sản phẩm.
Hiện nay, công nghệ chiếu xạ nông sản, thực phẩm đã được ứng dụng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, với các thị trường khó tính như Mỹ, chỉ những lô hàng nông sản có giấy chứng nhận đã qua chiếu xạ được cấp bởi trung tâm chiếu xạ đạt tiêu chuẩn của Mỹ mới được phép làm thủ tục thông quan.
Tại Việt Nam, mạng lưới và năng lực chiếu xạ đã, đang được mở rộng và tăng cường để xử lý kiểm dịch trái cây tươi xuất khẩu. Việc Nhà nước cho phép các công ty tư nhân đầu tư trong lĩnh vực chiếu xạ nông sản, khuyến khích việc xã hội hóa đầu tư các trung tâm chiếu xạ đã đem lại thành công to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, ngành công nghiệp chiếu xạ non trẻ tạo được nhiều công việc mới, góp phần hình thành những sản phẩm có giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Hiện cả nước có 3/11 cơ sở nghiên cứu và ứng dụng chiếu xạ được cấp phép chiếu xạ kiểm dịch trái cây tươi xuất khẩu với công suất chiếu xạ lên đến 30 nghìn tấn quả/năm. Biện pháp xử lý chiếu xạ cho nông sản và trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được các nước tiên tiến trên thế giới công nhận.
Vẫn còn điểm nghẽn
Dù đã chứng minh hiệu quả trên thực tế, nhưng để công nghệ này có thể áp dụng rộng rãi, đáp ứng yêu cầu của tất cả thị trường nhập khẩu nông sản “khó tính” mà Việt Nam hướng tới lại không đơn giản, đặc biệt khi các nước lại có nhiều quy định khác nhau.
Như hiện nay, phần lớn trái cây của nước ta trước khi xuất khẩu sang Australia, New Zealand và một số quốc gia khác đều được xử lý chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên, với riêng thị trường Mỹ, do chưa có cơ sở nào ở miền Bắc được Cơ quan kiểm soát sức khỏe động, thực vật Mỹ (APHIS) cho phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch sản phẩm nông sản nên các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn nhất định. Rõ nhất là doanh nghiệp xuất khẩu quả vải sang Mỹ phải chuyển hàng từ Bắc Giang và Hải Dương... vào thành phố Hồ Chí Minh (Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn) hoặc Long An (Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát) để xử lý chiếu xạ kiểm dịch. Đây cũng là 2 công ty được APHIS cho phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch sản phẩm nông sản tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Việc này làm tăng chi phí, thời gian, trong khi quả vải tươi chỉ có thể bảo quản tối đa 35 ngày với các công nghệ hiện có.
Được biết từ năm 2022, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) để hoàn thiện các yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị và pháp lý gửi APHIS xin cấp phép cơ sở chiếu xạ kiểm dịch. Dù vậy, do Trung tâm không bảo đảm được nguồn kinh phí nên việc kiểm tra, xác nhận từ phía APHIS chưa thể diễn ra.
Bên cạnh đó, các loại cũng như số lượng sản phẩm nông sản từ phía Bắc cần chiếu xạ kiểm dịch để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, cao cấp, đặc biệt là Mỹ, lại không nhiều (chủ yếu là vải, nhãn) như phía Nam (thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài, vú sữa...) nên cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cho chiếu xạ kiểm dịch của các đơn vị. Đây là bài toán không dễ giải trong ngày một ngày hai.
Theo Tiến sĩ Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cần tăng cường năng lực và đẩy mạnh ứng dụng chiếu xạ nông sản, thực phẩm để bảo đảm chất lượng vệ sinh đối với thực phẩm tươi, chế biến… nhằm phục vụ mục đích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đánh giá, với tình hình thực tế hiện nay, cần tập trung tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm cung cấp dịch vụ chiếu xạ kiểm dịch trái cây tươi xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản. Bộ khuyến khích việc xã hội hóa các cơ sở chiếu xạ kiểm dịch nông sản, thực phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu tới các thị trường cao cấp, góp phần gia tăng giá trị, mang lại thu nhập cao cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu...