Nghị quyết và Cuộc sống

Đổi mới công tác tuyên truyền về cải cách hành chính

Phong Thu 10/03/2024 - 06:58

Triển khai Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), công tác tuyên truyền về cải cách hành chính thời gian qua đã được Hà Nội và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động đổi mới cách triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Qua đó, người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, chính quyền điện tử, chính quyền số..., góp phần quan trọng vào kết quả cải cách hành chính năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2021-2025 nói chung của Thủ đô.

tuyen-truyen.jpg
“Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Đa dạng, phong phú hình thức tuyên truyền

Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) ngày 17-3-2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, hằng năm, UBND thành phố Hà Nội đều ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính. Đặc biệt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành Chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền lĩnh vực quan trọng này.

Cụ thể, Hà Nội chú trọng tuyên truyền việc thực hiện “một cửa” hiện đại, chuyển đổi số, chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, các cấp từ thành phố đến cơ sở đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như, tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên đề, cuộc thi, tọa đàm, sân khấu hóa, đồng thời đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ tính riêng năm 2023, UBND thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cải cách hành chính cho hơn 1.500 cán bộ, công chức thuộc sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã. Nhờ đó, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ và các nội dung cải thiện nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã đánh giá, phân tích, làm rõ nguyên nhân và xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS; tổ chức thành công hội thảo khoa học tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội.

Cũng từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, thành phố đã đăng hàng nghìn tin, bài về cải cách hành chính, chuyển đổi số, chính quyền điện tử tại Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, các báo, đài trung ương, thành phố, các trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng đã tổ chức quán triệt, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cải cách hành chính.

Hiệu quả thiết thực

Người dân trên địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã quen với việc “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đến tận nơi tận tình hướng dẫn nhân dân làm các thủ tục hành chính trực tuyến.

Mô hình này là sáng kiến của Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy. “Với mục tiêu triển khai thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tôi đã nghiên cứu và triển khai mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tại 8 tổ dân phố”, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết.

Thành viên của đội cơ động là cán bộ UBND phường, tổ dân phố và các tình nguyện viên sinh sống trên địa bàn; hoạt động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân”. Các thành viên được trang bị máy tính xách tay có kết nối internet, được tập huấn, trang bị các kiến thức về dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng sư phạm, giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng hướng dẫn về công nghệ thông tin cho người cao tuổi.

Ưu điểm của “Đội cơ động hướng dẫn tại nhà” so với hướng dẫn tại trụ sở phường hoặc các địa điểm công cộng là người dân cảm thấy thân thiện, tự nhiên nên dễ tiếp thu các nội dung được hướng dẫn hơn. Những người dân được hướng dẫn đều nắm được quy trình, cách thức và tự làm dịch vụ công trực tuyến, từ đó có thể hướng dẫn những người thân trong gia đình hoặc hàng xóm. Hiệu quả rõ nét của mô hình này là: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với 8 thủ tục đã triển khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến đều đạt 100% (không có hồ sơ phải nộp trực tiếp); 100% hồ sơ thuộc thẩm quyền của UBND phường Trúc Bạch tiếp nhận đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

Nhiều cách làm hay

Huyện Thanh Trì được đánh giá là điểm sáng trong tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023. Cách làm của huyện là chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn mỗi đơn vị thí điểm thành lập “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” đặt tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Toàn huyện đã có 23 “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” dưới sự chỉ đạo của UBND 16 xã, thị trấn; sự quản lý cơ sở vật chất của lãnh đạo thôn; sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của công chức chuyên môn UBND các xã, thị trấn. Các điểm hỗ trợ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Bà Lý Thị Vân (xã Tam Hiệp) cho biết: “Có ngày bận rộn, không sắp xếp được thời gian đến UBND xã vào giờ hành chính để tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ hành chính, tôi đến điểm hỗ trợ vào buổi tối và được các đoàn viên, thanh niên hướng dẫn tận tình”.

Tại huyện Gia Lâm, cùng với việc niêm yết công khai các quy trình, thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”, huyện đã xây dựng 269 chương trình truyền thanh, trong đó có 36 chuyên đề cải cách hành chính. Đài truyền thanh các xã, thị trấn đưa khoảng 2.000 tin, bài tuyên truyền về cải cách hành chính. Huyện cũng đã treo hơn 130 pano lớn nhỏ (gần 1.000m2), duy trì trang Facebook “Tuyên truyền cải cách hành chính huyện Gia Lâm” và trang Facebook của các xã, thị trấn thường xuyên đăng các nội dung về công tác thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn huyện, để người dân tiếp cận với các thông tin về cải cách hành chính một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị có sáng kiến, cách làm hay trong tuyên truyền cải cách hành chính, như: Sở Tư pháp tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố; Sở Văn hóa và Thể thao phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức tổ chức hội thi tuyên truyền, báo cáo viên về cải cách hành chính...

Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Việc tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu công tác cải cách hành chính” năm 2023, nhằm thiết thực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời, huyện mong muốn các cá nhân hiến kế, đề xuất sáng kiến, giải pháp, mô hình, cách làm hay về công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị”.

So với trước đây, các hình thức tuyên truyền cải cách hành chính đã tránh được sự hình thức, thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Phát huy kết quả này, năm nay, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục coi trọng việc thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính và đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND (ngày 8-2-2024) về vấn đề này. UBND thành phố yêu cầu hoạt động thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính được tổ chức hiệu quả, thiết thực, kịp thời, thường xuyên; hình thức thông tin, tuyên truyền đa dạng, phong phú, thân thiện, phù hợp với nội dung tuyên truyền, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, các nhóm đối tượng, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh, hiệu quả; nội dung thông tin đầy đủ, chính xác, đơn giản, dễ hiểu, có tính định hướng dư luận.