Sức khỏe

Người đàn ông cứng hàm, cứng cổ vì vết xây xát ở chân

Thu Trang 09/03/2024 - 11:59

Sau khi bốc gạch bị xây xát ở chân, người đàn ông chủ quan tự rửa vết thương và đi làm đồng, lội dưới bùn không đi ủng. 2 tháng sau, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, cứng cổ, cứng hàm, cứng gáy…

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nam bệnh nhân 57 tuổi, ở xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trước khi vào viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân đi bốc gạch bị xây xát ở chân nhưng chủ quan tự rửa vết thương, không đi tiêm phòng uốn ván. Sau đó, bệnh nhân đi làm đồng, lội dưới bùn không đi ủng.

Tiếp đến, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, mệt nhiều, cứng cổ, cứng hàm, cứng gáy… Nam bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Như vậy, theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp mắc uốn ván, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 1 ca bệnh. Điều đáng nói, trong năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

tiem-vac-xin-phong-uon-van.jpg
Tiêm vắc xin phòng uốn ván tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Các chuyên gia y tế cho biết, uốn ván là bệnh cấp tính nguy hiểm. Khi triệu chứng của bệnh xuất hiện, khả năng cứu chữa và phục hồi là rất thấp, nguy cơ tử vong rất cao. Nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván là do ngoại độc tố Tetanus Exotoxin của vi khuẩn Clostridium Tetani phát triển trong điều kiện thiếu ô xy tại vết thương. Vi khuẩn uốn ván Clostridium tetani có thể sống trong nhiều môi trường, bao gồm đất, phân ngựa và đất bón phân.

Khi bào tử của vi khuẩn này xâm nhập cơ thể thông qua các vết thương hoặc tổn thương ngoài da, những độc tố mà vi khuẩn Clostridium tetani tiết ra sẽ ngăn chặn quá trình giải phóng các chất ức chế với chức năng dẫn truyền thần kinh, khiến cho hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng cứng cơ nói chung như co thắt cơ, đau, mất sự ổn định về khả năng tự chủ cơ thể và rối loạn về hô hấp.

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, mọi vết thương hở, trầy xước hay rách da đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng, các loại vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván cao cần được tiêm phòng khẩn cấp, càng sớm càng tốt, bao gồm các vết thương nặng do tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc các vết thương gây ra do các vật sắc nhọn như đinh rỉ, cành cây…

Các loại vết thương như vết bỏng, trầy xước nhẹ và các vết thương hở không sâu và không bị nhiễm bẩn có nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Trường hợp này cũng cần được sơ cứu đúng cách, kịp thời và tiêm phòng để tránh nguy cơ uốn ván.

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc đưa ra lưu ý, bệnh uốn ván có thời gian ủ dài từ 3-21 ngày, trung bình là 7-8 ngày. Sau khi bị thương, việc xử lý vết thương đúng cách giúp làm chậm quá trình xâm nhập của vi khuẩn. Sau đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng càng sớm càng tốt. Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là trong 24 giờ đầu sau khi bị thương. Tuy nhiên, việc tiêm phòng sau 24 giờ vẫn hữu ích nhưng nguy cơ phát bệnh, biến chứng và thậm chí tử vong sẽ tăng cao dần.