Đời sống

Nhiều giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật

Thu Hằng 09/03/2024 - 07:50

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2024, bệnh dại ở động vật có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Ước tính từ ngày 1-1 đến ngày 20-2, cả nước xảy ra 17 ổ bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố (trong đó thành phố Hà Nội xảy ra 2 ổ bệnh dại).

Trước thực tế này, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát các ổ bệnh dại, phòng ngừa các ổ bệnh mới phát sinh và lây lan trên địa bàn.

benh-dai.jpg
Tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi tại Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Long Biên.

Nguy cơ tử vong cao

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), thành phố có khoảng 425.000 con chó, mèo nuôi. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số ổ dịch dại trên đàn chó. Cụ thể, năm 2022, tại huyện Mê Linh xảy ra vụ một con chó dại cắn chủ nhà ở xã Tiền Phong; một người chết vì bệnh dại do làm thịt chó ở xã Vạn Yên. Năm 2023, tại huyện Mê Linh tiếp tục xảy ra ổ dịch dại tại thôn Liễu Trì (xã Mê Linh) khi con chó dại cắn 6 người và ổ dịch xảy ra tại xã Tráng Việt do con chó không rõ nguồn gốc cắn liên tiếp 3 người... Tại huyện Sóc Sơn, từ ngày 5-1 đến 5-2-2024 đã xảy ra 2 ổ dịch dại trên động vật, làm chết và phải tiêu hủy 9 con chó, mèo.

Việc liên tục xuất hiện một số ổ dịch dại trên động vật là thực trạng đáng báo động khi các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang rất nỗ lực trong việc thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 4-4-2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, nguyên nhân xảy ra các ổ dịch là do nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; một bộ phận người dân không tiêm phòng dại cho chó, mèo nuôi; vi rút dại còn lưu hành trên động vật, trong khi đó vẫn còn tình trạng người dân thả rông chó ra đường...

Ông Ngô Đình Loát cũng cho hay, bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, nếu không đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ thì nguy cơ tử vong cao...

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Để phòng, chống hiệu quả bệnh dại, ngày 2-3-2024, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 563/UBND-KGVX về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người bị động vật cắn; tăng cường giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại… Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại bằng nhiều hình thức; kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao… UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở thực hiện tốt việc quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn; xử lý triệt để tình trạng chó thả rông, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi, nhốt chó, mèo bảo đảm điều kiện vệ sinh thú ý…

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Ngô Đình Loát, song song với thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, giải pháp được chi cục và các địa phương triển khai hiện nay là thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi và tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Kết quả hằng năm, tỷ lệ chó, mèo thuộc diện tiêm phòng toàn thành phố đều đạt 90-93%.

“Ngoài ra, trong năm 2024, chi cục tiếp tục hướng dẫn các quận duy trì tốt các điều kiện an toàn dịch bệnh dại tại 10/12 quận đã được công nhận vùng an toàn dịch bệnh dại động vật; xây dựng và phấn đấu hoàn thành công nhận vùng an toàn dịch bệnh dại ở động vật tại hai quận còn lại là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm”, ông Ngô Đình Loát chia sẻ.

Về phía địa phương, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y quận Long Biên Nguyễn Lan Anh thông tin, để công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật đạt kết quả tốt, cùng với thực hiện nghiêm việc thống kê, lập danh sách quản lý chó, mèo, UBND các phường tổ chức nghiêm việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Ngoài ra, 14/14 phường duy trì hiệu quả hoạt động của đội bắt chó thả rông; xử phạt các hộ thả rông chó.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Thìn chia sẻ, sau khi xảy ra ổ dịch dại trên địa bàn năm 2023, cùng với việc triển khai các biện pháp dập dịch, xã đã tổng rà soát số chó, mèo, con nào chưa tiêm bắt buộc phải tiêm bổ sung. Đến nay, 100% số chó, mèo đã được tiêm phòng dại.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thành phố đến cơ sở, hy vọng công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật sẽ đạt nhiều kết quả khả quan, từng bước kiểm soát được dịch bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội.