Phòng chống bệnh khi trời sương mù
Thời tiết Hà Nội vừa trải qua những ngày sương mù dày đặc, nhất là vào sáng sớm, kèm theo hiện tượng nồm ẩm. Dạng thời tiết này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của của người dân.
Gia tăng bệnh lý hô hấp, tiêu chảy
Thời gian gần đây, tại các bệnh viện trên cả nước ghi nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh liên quan đến thời tiết, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già. Các bệnh nhi đến khám chủ yếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở...
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng sương mù thường xảy ra hằng năm vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền núi. Tuy nhiên, hiện tượng sương mù như hiện nay ở Hà Nội là khá hiếm.
“Trong thời tiết sương mù, người dân rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Do đó, người dân cần đeo khẩu trang khi ra đường để phòng bệnh, nhất là với những người có sức đề kháng kém như người già và trẻ nhỏ...” - ông Nguyễn Lương Tâm lưu ý.
Sương mù là hiện tượng tự nhiên, do độ ẩm không khí tạo thành, không hẳn là ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, độ ẩm tăng cao cũng làm cho một số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn. Do đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Bên cạnh đó, thời tiết năm nay vẫn diễn biến bất thường, thời tiết chuyển mùa từ giá lạnh, hanh khô, xen kẽ những ngày nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Do đó, người dân cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm; giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên; không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm; thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần...
Phòng các dịch bệnh sởi, thủy đậu “vào mùa”
Ngoài các bệnh lý về đường hô hấp, cúm mùa, các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thời điểm này là sởi, thủy đậu... Các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận rải rác ca bệnh thủy đậu, sởi. Trong những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm và thủy đậu tới thăm khám.
Thủy đậu cũng là bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí). Bệnh còn có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính; nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan... Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Mới đây, theo báo cáo của Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện các ca học sinh mắc bệnh thủy đậu, xuất hiện các ổ dịch trong trường học. Nguyên nhân là do trẻ không được tiêm phòng vắc xin thủy đậu đầy đủ sẽ khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch, nhất là tại các trường học. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ đã quay trở lại trường học. Đây là thời điểm thuận lợi để bệnh thủy đậu lây lan và bùng phát.
Ngoài bệnh thủy đậu, sởi cũng là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy... nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát. Cụ thể, tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch; Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Những triệu chứng của bệnh sởi thường dễ bị nhầm lẫn thành các triệu chứng của những bệnh khác, bởi đây cũng có thể là triệu chứng của rôm sảy, rubella, thủy đậu... nên bệnh nhân thường sẽ không có cách phòng ngừa lây nhiễm hợp lý và điều trị không đúng cách. Điều này có thể làm cho bệnh sởi trở nên nặng hơn và cách phòng ngừa lây nhiễm không đúng có thể khiến bệnh lan rộng và trở thành dịch bệnh. Bởi vậy, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.