Kinh tế

Ngược dòng vượt khó, xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực

Lam Giang thực hiện 09/03/2024 - 06:36

Hoạt động xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 của nước ta đã ngược dòng vượt khó, phục hồi tích cực sau năm 2023 sụt giảm. Đây là tiền đề quan trọng để lĩnh vực này từng bước đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải về nội dung này.

giay-1.jpg
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (huyện Đan Phượng). Ảnh: TTXVN

- Ông đánh giá thế nào về tình hình xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024?

- Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước ước đạt 114 tỷ USD, ngược dòng khó khăn, đạt tăng trưởng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu ước đạt 59,3 tỷ USD tăng 19,2%, nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD tăng 18%. Cán cân thương mại xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Kết quả này cho thấy những tín hiệu tích cực của sự phục hồi hoạt động xuất, nhập khẩu sau năm 2023 suy giảm. Thời điểm này, số đơn hàng mới của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10-2022, cũng là tín hiệu sáng trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, xuất khẩu cả nhóm hàng công nghiệp và nông nghiệp đều khả quan. Các ngành công nghiệp chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 2 con số như: Điện tử, máy tính, linh kiện; gỗ và sản phẩm từ gỗ; sắt, thép; dệt may; giày, dép… Đặc biệt, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 sang 2 tháng đầu năm nay, với một số mặt hàng đạt kỷ lục như: Sầu riêng, gạo, cà phê… Đây là nhóm hàng xuất khẩu tăng cả về số lượng và giá trị, điều rất khó làm được trong những năm trước đây. Điển hình là giá gạo bình quân trên 600 USD/tấn so với mức trên dưới 500 USD/tấn trước đây… đem lại hiệu quả xuất khẩu lớn. Ngành Thủy sản sau năm 2023 giảm khá sâu thì 2 tháng qua đã tăng trưởng 22%.

Sự phục hồi này cũng cho thấy những nỗ lực trong việc giữ thị trường truyền thống và đa dạng hóa, phát triển thị trường mới. Mặt khác, sức chống chịu của doanh nghiệp cải thiện nhờ nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

- Thực tế, xuất khẩu tháng 2-2024 đã chậm lại sau mức tăng trưởng ấn tượng của tháng 1-2024. Ông có thể phân tích kỹ hơn về kết quả này?

- Điều này là dễ hiểu bởi tháng 2 là tháng có số ngày ít nhất trong năm. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nằm trọn trong tháng 2, do đó số ngày làm việc ít hơn.

- Trước những tín hiệu phục hồi của thị trường thế giới, ông có dự báo gì về sức cầu trong ngắn hạn và từ nay tới cuối năm?

- Tôi cho rằng, thời điểm này sức cầu thế giới phục hồi tốt. Hoa Kỳ và các ngân hàng ở châu Âu phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất giúp thị trường ổn định hơn. Nếu không có những biến động lớn thì dự kiến từ nay tới cuối năm 2024, sức cầu thị trường tốt dần và doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu tới những thị trường lớn.

- Các doanh nghiệp cần làm gì để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, thưa ông?

- Các doanh nghiệp vẫn phải dự phòng rủi ro, biến động có thể xảy ra; đổi mới sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, làm ra sản phẩm có giá trị cao hơn, tăng tính cạnh tranh. Ngành Dệt may cạnh tranh rất lớn với các quốc gia Campuchia, Bangladesh… thì không thể bằng lòng với hệ thống dây chuyền sản xuất có từ 20 năm qua. Điều này có thể khiến chúng ta không nhận được các hợp đồng sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn.

hang-xk.jpg
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu trở thành đối tượng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ từ hiệp hội ngành hàng, cơ quan chức năng. Doanh nghiệp cũng phải chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây có thể coi là mỏ vàng, là lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam.

- Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian tới?

- Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác, phối hợp với các bộ, ngành điều hành xuất khẩu, đề xuất những giải pháp phù hợp, tiếp tục đa dạng thị trường, khai thác tối đa cơ hội thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích doanh nghiệp.

Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương khai thác có hiệu quả các FTA, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA mới, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, ứng phó hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.

Với vai trò cơ quan điều phối chung về xuất, nhập khẩu, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương là đốc thúc các bộ, ngành, địa phương cùng tập trung triển khai Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 một cách đồng bộ và hiệu quả, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

- Trân trọng cảm ơn ông!