Nông dân Gia Lâm thu lãi 28 triệu đồng/ha khoai tây vụ đông xuân
Sáng 8-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức nghiệm thu mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện sinh học nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đơn vị triển khai mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân tại xã Yên Thường từ ngày 18-11-2023, tổng diện tích 40ha, sử dụng giống khoai Atlantic, có thời gian sinh trưởng 100 ngày.
Ông Nguyễn Bá Trung - người thực hiện mô hình cho biết: "Sau khi được Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây vụ đông xuân, tôi triển khai trồng trên tổng diện tích 40ha, mỗi sào cần sử dụng 50kg khoai giống. Đến nay, sau 100 ngày, khoai tây cho thu hoạch đạt khoảng 5 tạ củ/sào".
Khoai tây được Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina bao tiêu sản phẩm, nông dân thu hoạch củ khoai, đóng bao tại ruộng, Công ty thu gom ngay tại bờ với mức giá hơn 8.000 đồng/kg, gồm các củ khoai có đường kính từ 4,8cm trở lên.
"Khoai tây vụ đông xuân phù hợp đồng đất xã Yên Thường cộng yếu tố thời tiết thuận lợi, đầu ra ổn định nên đạt 130 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí, thu lãi 28-30 triệu đồng/ha. Đây cũng là năm thứ 3 tôi làm vụ đông, trong đó có mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân", ông Nguyễn Bá Trung cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina - đại diện đơn vị bao tiêu sản phẩm khoai tây cho biết, năm 2024, Công ty cần thu mua 65.000 tấn khoai tây để chế biến, sản xuất. Tuy nhiên, lượng khoai mua trong nước mới đáp ứng hơn 20.000 tấn; còn lại phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Công ty rất mong các địa phương, trong đó có Hà Nội, khuyến khích nông dân sản xuất, liên kết tạo vùng trồng khoai tây chế biến, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tạo thu nhập cao cho nông dân, đồng thời giúp Công ty thu mua khoai tây chế biến trong nước đạt 55% tổng lượng trở lên. Năm nay cũng là năm thứ 3 Công ty phối hợp ký kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh của Hà Nội, trong đó tại xã Yên Thường của huyện Gia Lâm là 29ha, xã Xuân Nộn của huyện Đông Anh 7ha.
Trao đổi thêm về công tác phối hợp triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông thành phố tiếp tục khảo sát, phối hợp với Viện sinh học nông nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai thêm nhiều mô hình trồng rau, củ, quả tăng vụ theo hướng VietGAP nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai...