Làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa
Chiều 7-3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc hoàn thiện Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa phải giải quyết được các vướng mắc, tồn tại, bất cập trong hoạt động quản lý, bảo tồn, bảo vệ, tu bổ di sản văn hóa; đồng thời phát huy, truyền bá hiệu quả giá trị di sản văn hóa, từ đó trở thành nguồn lực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát, tiếp thu, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành Văn hóa với các bộ, ngành liên quan; xác định cơ chế tài chính, mô hình hợp tác công - tư trong tu bổ, tôn tạo, phục hồi, quản trị di tích, di sản văn hóa. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ giới hạn, phạm vi, nội dung ủy quyền lập pháp đối với những vấn đề mới, chưa được đánh giá tác động trong lĩnh vực di sản văn hóa; quy định về điều kiện chuyển tiếp.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Chính phủ về nội dung ủy quyền lập pháp; phân cấp, phân quyền, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; xây dựng quy định về mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, như: Cấm kinh doanh bảo vật quốc gia; cấm xuất khẩu di vật, cổ vật; bảo vệ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia và di sản tư liệu là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt...