Chỉ 20% rác thải sinh hoạt được chôn lấp hợp vệ sinh
Chiều 7-3, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh: Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số cùng thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Công Dũng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước, sự tồn tại của con người, từ đó, xây dựng nhận thức đúng đắn, hành động thân thiện và văn minh với môi trường.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, ở Việt Nam, mỗi ngày phát sinh ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó 60% tại các đô thị. Có khoảng 66% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ 20% được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Ngoài ra, trong số hơn 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì 2/3 được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi, ô nhiễm không khí...
Bên cạnh đó, việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương cần tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp quản lý hiệu quả rác thải sinh hoạt, giảm rác thải nhựa tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ về công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa; trao đổi về những hạn chế trong công tác này và kinh nghiệm, phương hướng nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm chất thải nhựa tại các đô thị...