Đỉnh điểm nắng nóng, chớ... cậy khỏe!
Từ đầu tháng 3-2024, khu vực phía Nam bước vào đỉnh điểm mùa khô. Nhiệt độ cao, nắng gay gắt gây nguy cơ cao về sức khỏe.
Chiều 5-3, nắng nóng tại thành phố Hồ Chí Minh trở nên gay gắt hơn. Nhiệt độ ngoài trời khoảng 37 độ C.
Anh Trần Trung Chiến, tài xế xe công nghệ cùng nhiều đồng nghiệp tập trung tại một quán cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, để vừa “trốn nắng”, vừa tranh thủ sạc điện xe, chuẩn bị cho những cuốc xe giờ cao điểm (từ khoảng 16h30 đến 19h).
Anh Chiến chia sẻ: “Từ 13h, nắng gắt và chói chang hơn. Giờ này phải chạy xe ngoài đường là cực chẳng đã”.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – Thủy văn Nam Bộ, nền nhiệt ngày hôm nay tại thành phố Hồ Chí Minh cao nhất so với trung bình nhiệt độ của tuần này. Ngành Y tế thành phố cảnh báo, nắng nóng đã và đang gây nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe như say nắng, say nóng hay đột quỵ, nhất là với những người làm việc ngoài trời như nhân viên giao hàng, lao động nông nghiệp...
Người đang ở trong văn phòng sử dụng điều hòa nhiệt độ, khi bước ngay ra trời nắng, chênh lệch nhiệt độ lớn và nhanh cũng dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Da liễu (thành phố Hồ Chí Minh), mỗi ngày hiện có khoảng 2.300 lượt bệnh nhân đến khám các bệnh lý tai, mũi, họng, hô hấp và tim mạch liên quan đến nắng nóng, tăng khoảng 20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhi đến khám do mụn nhọt, rôm sảy, viêm da… cũng tăng cao.
Anh Bùi Quý T, ngụ tại quận 3, đến Bệnh viện Da liễu thành phố khám vì liên tục bị mẩn ngứa khi đi dưới nắng. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Vũ Anh Đào (Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu) cho biết, anh T bị mắc chứng phát hồng ban do nắng, vì để da nhạy cảm tiếp xúc trực tiếp với nắng gắt, không có biện pháp che chắn, bảo vệ phù hợp.
Cũng theo bác sĩ Anh Đào, mỗi ngày có tới 100 bệnh nhân đến khám về những chứng bệnh liên quan nắng nóng như anh T.
Theo các chuyên gia y tế, thời gian từ 12h đến 15h nắng gay gắt nhất; cường độ tia cực tím, tia UV cũng đạt đỉnh, dễ ảnh hưởng tiêu cực đến phần da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ngoài gây hại cho da, nắng nóng còn khiến người bệnh đổ mồ hôi; cơ thể tăng đào thải chất cặn, dẫn tới bít lỗ chân lông, gây mụn nhọt. Với những người đã bị mụn, nay việc cơ thể tiết nhiều mồ hôi gây nhiễm trùng khiến bệnh nặng hơn.
Trước thực trạng này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã phát đi khuyến cáo về những biện pháp phòng, chống nắng nóng mà người dân cần tham khảo áp dụng khi buộc phải đi ngoài trời giữa lúc cường độ nắng đạt mức đỉnh điểm.
Theo đó, mọi người cần uống đủ nước, chia nhiều lần trong ngày. Hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10h - 16h. Khi phải ra ngoài, hãy che chắn cơ thể khỏi ánh nắng.
Cần nghỉ ngơi và thích nghi với nhiệt độ, nếu đang ở trong phòng điều hòa, hãy tạo khoảng thời gian để cơ thể làm quen với môi trường bên ngoài trước khi ra ngoài trời. Có chế độ ăn uống hợp lý (tăng cường rau xanh và hoa quả, có món canh trong bữa ăn hằng ngày) và thường xuyên tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh.
“Người già, trẻ em, người làm việc lâu ngoài trời, người mắc các bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị nắng nóng gây ảnh hưởng tiêu cực. Để phòng tránh, người dân cần bố trí thời gian làm việc phù hợp, hạn chế ở lâu trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu buộc phải làm việc ngoài trời, cứ khoảng 45 phút đến 1 giờ , cần nghỉ ngơi khoảng 10 phút”, khuyến cáo của HCDC nêu rõ.