Văn hóa

Sẵn sàng cho Lễ hội kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Hoàng Lân 05/03/2024 - 12:24

Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, hướng tới kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024), quận Hai Bà Trưng đã sẵn sàng công tác chuẩn bị để lễ hội diễn ra thành công.

1(2).jpg
Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là lễ hội truyền thống lớn diễn ra tại đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.

Lễ hội nhằm giáo dục truyền thống, ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước, góp phần nâng cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, bảo tồn và duy trì nét văn hóa đặc trưng của lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng.

Năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 16-3 (tức từ ngày 5 đến 7 tháng Hai năm Giáp Thìn). Theo đó, vào sáng 14-3, tại miếu thờ Hai Bà Trưng và bến rước nước phường Bạch Đằng sẽ diễn ra lễ dâng hương và lễ cấp thủy trên sông Hồng truyền thống. Tại di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền - chùa - đình Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân), Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng sẽ được tổ chức vào sáng 15-3. Lễ tạ của dân làng diễn ra vào ngày 16-3.

Bên cạnh các nghi thức lễ rước truyền thống, lễ hội cũng có chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu vực miếu thờ Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng); các hoạt động biểu diễn võ thuật, trò chơi dân gian, viết thư pháp…

Theo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng, đến thời điểm hiện tại, quận đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024).

Cụm di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng đã vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích đền Hai Bà Trưng vào năm 2019.

Theo sử sách ghi chép, tháng 3 năm 40, mùa xuân Canh Tý, trước sự áp bức bóc lột tàn bạo của Thái thú Tô Định và bè lũ quan lại nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra cả nước, làm sụp đổ ách thống trị nhà Đông Hán. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả, đồng thời là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để ghi nhớ công tích và báo đáp ơn đức của Hai Bà, trên cả nước đã có nhiều công trình tưởng niệm của nhân dân dành cho Hai Bà và các nữ tướng, nam thần của phong trào Hai Bà Trưng. Theo thống kê, hiện có hơn 400 nơi thờ cúng các vị tướng của Hai Bà và cả nước có 3 nơi được coi là đền thờ chính Hai Bà Trưng. Đó là đền Hạ Lôi ở huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc (hội ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch) là quê hương Hai Bà; đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ - Hà Tây (ngày 6 tháng Ba âm lịch) là nơi Hai Bà tuẫn tiết; đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (ngày 6 tháng Hai âm lịch) là nơi nhân dân rước tượng Hai Bà từ sông Cái lên bờ lập đền thờ.