Kinh tế

Giúp doanh nghiệp trên “đường đua xanh”

Lam Giang thực hiện 05/03/2024 - 07:47

Ngành Công Thương sẽ tiếp tục định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm thải carbon, áp dụng công nghệ sản xuất sạch… để tăng tốc trên “đường đua xanh” trong bối cảnh xuất khẩu xanh đang dần được luật hóa.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú về vấn đề này.

gioi-thieu-cong-nghe-huong-.jpg
Giới thiệu công nghệ hướng tới tiêu chuẩn xanh tại Triển lãm quốc tế ngành Dệt may và công nghệ dệt may năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hà

- Ông đánh giá ra sao về xu hướng xuất khẩu xanh đang diễn ra trên thế giới hiện nay?

- Xuất khẩu xanh đang là xu hướng tất yếu. Các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến yếu tố xanh đang dần được luật hóa tại những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất.

Hiện tại, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế, chiến lược như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to fork); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

- Trong bối cảnh đó, đâu là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

- Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, một mặt không phải nộp thuế carbon, mặt khác sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, kinh doanh có điều kiện đối với các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia có chuỗi cung ứng dài và rộng khắp thế giới thì chi phí chuyển đổi là rất lớn, thời gian chuyển đổi sẽ lâu hơn. Trong khi với Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm kê khí nhà kính sẽ nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.

- Ông có thể cho biết, Bộ Công Thương đã có những giải pháp nào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xanh có trách nhiệm?

- Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 980/QĐ-TTg ngày 22-8-2023 ban hành danh mục đối tượng ưu tiên đầu tư các sản phẩm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường và Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than.

Về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thường xuyên triển khai các hoạt động phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và hành động của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh như tổ chức chuỗi hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng với hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm trao đổi, cập nhật thông tin của thị trường, đặc biệt các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất, kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, để nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa ra các quy định, tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

- Còn công tác xúc tiến thương mại có hỗ trợ ra sao với các doanh nghiệp, thưa ông?

- Định hướng hoạt động xúc tiến xuất khẩu được chuyển đổi dần theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng và thích nghi với xu hướng, yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, thương mại xanh trên thế giới; đặt ra nhiệm vụ chuyển đổi xúc tiến xuất khẩu xanh cho hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam.

Trong công tác xúc tiến thương mại, chúng tôi đã xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực xúc tiến thương mại của hệ thống các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trên cả nước, trong đó bao gồm nhóm chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu để định hướng cho các tổ chức này trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.

Việc cần làm khẩn trương nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu về chuyển đổi xanh, đáp ứng các quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm để một mặt tiếp cận, thích ứng với yêu cầu mới, mặt khác tận dụng nhanh cơ hội mang lại từ quy định so với các đối thủ cạnh tranh. Để triển khai việc này một cách hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã duy trì tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu xanh, qua đó tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức hơn nữa cho doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi xanh, sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất và doanh nghiệp để có thể vượt qua thách thức, tận dụng được các cơ hội mà xu hướng thế giới về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mang lại, tham gia chủ động và hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Trân trọng cảm ơn ông!