Nông nghiệp

Lo đủ nước tưới lúa xuân

Kim Nhuệ 05/03/2024 - 07:22

Mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống... tiếp tục xuống thấp; nhiều hồ thủy lợi giảm dung tích trữ nước; dự báo lượng mưa, nguồn nước suy giảm trong những tháng tới..., làm gia tăng nguy cơ thiếu nước tưới dưỡng lúa xuân.

Chủ động ứng phó với nguy cơ này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm đủ nước tưới dưỡng cho lúa, không để xảy ra khô hạn.

cong-nhan-xi-nghiep-dau-tu-.jpg
Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân thu dọn rác, bảo đảm Trạm bơm Hồng Vân vận hành hiệu quả.

Mực nước nhiều hồ chứa xuống thấp

Trạm bơm Hồng Vân được xây dựng từ năm 1964 và nâng cấp năm 2012. Với 5 tổ máy, công suất 8.000m3/giờ/máy, thiết kế lấy nước sông Hồng ở mức 0,2m, công trình này có nhiệm vụ cấp nước cho gần 9.000ha sản xuất nông nghiệp của các huyện: Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên. Tuy nhiên, quan sát trong chiều 2-3, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, Trạm bơm Hồng Vân không thể vận hành dù đây là thời điểm các địa phương vẫn có nhu cầu lấy nước để tưới dưỡng lúa xuân.

Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân Đặng Hồng Vinh cho biết, Trạm bơm Hồng Vân chỉ vận hành an toàn và đạt tối đa công suất thiết kế khi mực nước sông Hồng đạt mức 0,5m. Thực tế mực nước sông Hồng trong ngày 2-3 có 9 giờ đạt mức cao hơn 0,5m, đó là các thời điểm từ 0h đến 3h và từ 19h đến 23h. “Ngoài 2 đợt điều tiết nước hồ thủy điện, trạm chỉ vận hành 7-9 giờ, phải dừng vận hành 4-5 giờ, thậm chí các ngày 15, 16 và 17-2 phải dừng tới 17 giờ để chờ thủy triều dâng...”, ông Đặng Hồng Vinh thông tin.

Tương tự, nhiều công trình lấy nước, như các trạm bơm: Đan Hoài (huyện Đan Phượng), Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), Sơn Đà (huyện Ba Vì), cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)... không thể vận hành trong ngày 2-3. Theo Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân, sau mỗi đợt điều tiết nước hồ thủy điện, mực nước sông Đà, sông Hồng xuống rất thấp; luồng dẫn tạo nguồn cho Trạm bơm Sơn Đà vận hành lại bị bùn cát san phẳng...

Với tổng dung tích gần 156 triệu mét khối, 13 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiệm vụ cấp nước tưới cho khoảng 10.000ha sản xuất nông nghiệp của 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn. Tuy nhiên, hiện tổng dung tích trữ của các hồ này chỉ còn khoảng 86 triệu mét khối, giảm 70 triệu mét khối so với thiết kế. Trong đó, mực nước nhiều hồ đã xuống ở mức rất thấp, như: Suối Hai, Mèo Gù (huyện Ba Vì) hiện chỉ còn 40-43% dung tích trữ thiết kế, Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) còn 52%...

Theo các doanh nghiệp thủy lợi, từ nay đến tháng 5 nếu không xuất hiện các trận mưa lớn thì nhiều khả năng trong vùng phục vụ của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy sẽ có 2.416ha lúa xuân thuộc các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… bị thiếu nước tưới dưỡng; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội có 2.130ha lúa xuân thuộc các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh... bị thiếu nước.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, từ tháng 3 đến tháng 5, tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố Hà Nội phổ biến ở mức xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước các sông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ cùng thời kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa phân bố không đồng đều về diện và lượng. Vì vậy, nhiều diện tích lúa xuân của Hà Nội vẫn có nguy cơ thiếu nước trong giai đoạn tưới dưỡng...

Chủ động triển khai đồng loạt các giải pháp

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện các tổ chức thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước gieo cấy và đang tưới dưỡng đợt 1 cho lúa xuân. Dựa trên điều kiện sinh trưởng của cây lúa, từ nay đến tháng 5, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố phải cấp thêm 4-5 đợt nước tưới dưỡng...

Để bảo đảm đủ nước tưới dưỡng lúa xuân, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi của thành phố theo dõi sát diễn biến dòng chảy trên sông, kịp thời vận hành các trạm bơm tích trữ nước trong hệ thống; chuẩn bị vật tư, sẵn sàng lắp đặt, vận hành công trình dã chiến lấy nước các sông, hồ thủy lợi ở mực nước thấp; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước các hồ thủy lợi... Các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các biện pháp gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước trên ruộng, chống thất thoát lãng phí nguồn nước.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành hồ thủy điện theo quy trình, bảo đảm dòng chảy môi trường, duy trì mực nước tại Trạm thủy văn Sơn Tây ở mức cao hơn 1m để vận hành công trình trong giai đoạn tưới dưỡng...

Liên quan vấn đề trên, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, ngày 1-3, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu trình Thủ tướng ban hành quyết định sửa đổi quy định về vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng trong mùa khô, bao gồm các đợt điều tiết nước gia tăng phục vụ cấp nước gieo cấy và tưới dưỡng lúa xuân với mực nước linh hoạt, phù hợp với khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi. Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội sớm có kế hoạch đầu tư các trạm bơm: Trung Hà, Liên Mạc thay thế công trình cũ không đủ khả năng vận hành do tình trạng hạ thấp mực nước; trước mắt khẩn trương xây dựng các trạm bơm dã chiến Liên Mạc, Hồng Vân... bảo đảm đưa vào vận hành lấy nước từ vụ đông xuân 2024-2025.

Thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo nêu trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội hy vọng có vụ xuân bội thu không chỉ năm nay mà còn trong nhiều năm tới.