Không thể tự mãn, “nghỉ xả hơi”
Mới đây, Lonely Planet - Tạp chí hàng đầu thế giới về hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch của Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong những nơi phù hợp nhất thế giới cho sinh viên “nghỉ xả hơi” sau khi tốt nghiệp bởi chi phí phải chăng, thời tiết ấm áp.
Đáng chú ý, Việt Nam là địa điểm duy nhất của châu Á và đứng thứ 5 thế giới trong danh sách phù hợp với giới trẻ nhất. Tạp chí này nhận định các địa danh ở Việt Nam đều có giá cả phải chăng, nhiều danh lam thắng cảnh và thời tiết lý tưởng.
Đó là thông tin đáng mừng đầu năm 2024, nối tiếp các thành công trong năm 2023 như lần thứ 5 Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á” và lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”… Những danh hiệu trên là một kênh rất tốt để góp phần định vị thương hiệu của một điểm đến, giúp nhiều người biết về Việt Nam hơn.
Tuy nhiên, việc được nhiều giải thưởng du lịch danh giá chưa phải là động lực chính để du lịch Việt Nam thu hút và giữ chân du khách. Bên cạnh những thành tựu đạt được, thẳng thắn đánh giá, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Khách du lịch quốc tế năm 2023 đến Việt Nam chưa bằng năm 2019 (thời điểm trước đại dịch Covid-19). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, năm qua cũng đang có dấu hiệu chững lại. Thậm chí, như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, ngành Du lịch mới chỉ thu hút được khoảng 60% lao động theo nhu cầu, trong khi đó nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác. Không ít doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo để phục vụ khách…
Đứng đầu không có nghĩa là sẽ mãi hấp dẫn nếu không thường xuyên đổi mới, thích nghi, đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch và càng không thể tự bằng lòng mà “nghỉ xả hơi”. Chính vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc xúc tiến, quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế. Trong đó, phải đẩy mạnh việc phối hợp để tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng có thể đem đi xúc tiến, quảng bá.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về du lịch. Rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch; tạo sự liên kết chặt chẽ để kiến tạo chính sách phát triển những loại hình sản phẩm mới… qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp cùng thực hiện mục tiêu đưa du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển và vươn tầm thế giới. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần tăng cường công tác thống kê, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là thông thạo ngoại ngữ và công nghệ…
Với những nỗ lực và quyết tâm ngay từ đầu năm 2024, chắc chắn hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới. Năng lực cạnh tranh được cải thiện và Việt Nam sẽ tiếp tục vinh dự nhận nhiều danh hiệu du lịch của thế giới và khu vực. Và đây sẽ là nền tảng vững chắc để du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới, thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế, bởi việc được các tổ chức quốc tế ghi nhận sẽ giúp cho các quốc gia khác tin tưởng và ưu tiên lựa chọn gửi khách sang Việt Nam.
Như vậy, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 mới khả thi.