Hà Nội thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính: Công khai, dân chủ, tạo đồng thuận của nhân dân
Thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30-7-2023 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 4-3, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh khẳng định, việc triển khai thực hiện công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân.
Giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đồng chí có thể cho biết khái quát về tình hình triển khai trên địa bàn thành phố?
- Sau khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 (Ban Chỉ đạo thành phố), xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường vụ, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các phương án, tiêu chí để đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Với Hà Nội, theo tiêu chí về diện tích và dân số, có 173 xã, phường, thị trấn và 1 đơn vị hành chính cấp quận (quận Hoàn Kiếm) thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này.
UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành nghiên cứu, rà soát. Đặc biệt, với Hà Nội còn dựa vào các tiêu chí của chính quyền đô thị, yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, dân số, tốc độ phát triển đô thị..., các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án cụ thể. 26/26 quận, huyện, thị xã có địa giới hành chính thuộc diện sắp xếp đã xây dựng phương án trình UBND thành phố.
Sau khi các địa phương hoàn thành phương án, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố, Sở Nội vụ đã tham mưu trực tiếp cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát, tiến hành xem xét các phương án các đơn vị đề xuất. Trong đó, có 5 quận, huyện khi xây dựng phương án chưa bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Ban Chỉ đạo thành phố đã thành lập tổ công tác trực tiếp làm việc với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy để thống nhất điều chỉnh, thay đổi lại phương án.
Ngày 15-11-2023, UBND thành phố đã ký ban hành Phương án số 01/PA-UBND tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội, trình Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Với phương án này, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Ngày 21-12-2023, Bộ Nội vụ đã có văn bản, cơ bản thống nhất với phương án do Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội trình, có điều chỉnh, bổ sung một số điểm. Bộ Nội vụ cũng yêu cầu đến ngày 31-5-2024, thành phố Hà Nội phải hoàn thành đề án, gửi báo cáo Bộ Nội vụ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua, hoàn thành sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính này trong quý III-2024.
- Để việc triển khai được đồng bộ, đúng quy định, thành phố đã có lộ trình, hướng dẫn các địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24-8-2023 của Chính phủ quy định về lấy ý kiến cử tri trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính và các hướng dẫn, Sở Nội vụ đã hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri, thời gian niêm yết tối thiểu 30 ngày để tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với các xã, phường, thị trấn dự kiến sáp nhập, dự kiến phải sắp xếp. Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng hồ sơ, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp. Sở Nội vụ chủ trì việc tổ chức đấu thầu, mời đơn vị có tư cách pháp nhân, có năng lực, lập hồ sơ cho các đơn vị và thành phố. Đề án và việc lấy ý kiến cử tri phải được hoàn thành trước ngày 5-4-2024.
Song song với đó, đối với những địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, thị trấn họp thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính. UBND xã, thị trấn trình HĐND cùng cấp thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính. UBND xã, thị trấn trình hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính lên UBND huyện. Thời gian triển khai từ ngày 27-3-2024 đến 10-4-2024.
Với phường, Ban Chấp hành Đảng bộ phường họp, thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính. UBND phường trình hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính lên UBND cấp quận. Nội dung này hoàn thành trước ngày 10-4-2024 ở cấp phường.
Sau khi hoàn thành lấy ý kiến cử tri cấp xã và HĐND cấp xã, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính trình HĐND cùng cấp thông qua. HĐND quận, huyện, thị xã xem xét, tổ chức kỳ họp, ban hành Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính. UBND quận, huyện, thị xã tổng hợp hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của quận, huyện mình, trình UBND thành phố (qua Sở Nội vụ). Nội dung này hoàn thành chậm chất là ngày 15-4-2024.
Từ 15-4-2024 đến 30-4-2024, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố để báo cáo Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố để trình xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Sau khi xong nội dung này, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ thông qua chủ trương, UBND thành phố hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố xem xét vào ngày 15-5-2024. Sau kỳ họp này, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố trình Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan cấp trên để thông qua.
Nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức và giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm
- Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan như về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất..., đồng chí có thể chia sẻ về giải pháp triển khai của thành phố?
- Ban Chỉ đạo thành phố sẽ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn thành phố để phổ biến, quán triệt, hướng dẫn các nội dung này. Cùng với việc triển khai sắp xếp các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP, Ban Chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn việc sắp xếp cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn có điều chỉnh đơn vị hành chính, đặc biệt là phương án sắp xếp với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; định hướng sắp xếp cán bộ chủ chốt, cấp trưởng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các chức danh liên quan.
UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn việc sắp xếp, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản, trụ sở, các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở vật chất của các địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính.
Sở Nội vụ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, lưu ý thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm công chức cấp xã về công tác tại các cơ quan, đơn vị của cấp huyện còn thiếu; điều chuyển cán bộ, công chức ở đơn vị này sang đơn vị khác không chịu tác động của việc sắp xếp; giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. HĐND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Có thể nói, việc tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hà Nội đã được Ban Chỉ đạo, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rất cụ thể, sâu sát, rõ lộ trình, tiến độ, nội dung và triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố.
Vừa qua, có một số cơ quan báo chí thông tin về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Hà Nội chưa đầy đủ, toàn diện, nên có sự hiểu lầm, tạo tâm lý và dư luận không tốt trong cán bộ cơ sở và nhân dân. Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố và Ban Chỉ đạo thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ, toàn diện và kịp thời hơn để cán bộ cơ sở và nhân dân hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện.
Quá trình triển khai tổ chức thực hiện, thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo sát sao Ban Thường vụ các cấp ủy quận, huyện, thị xã; UBND quận, huyện, thị xã thực hiện công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân, nhất là phương án sắp xếp tên gọi của đơn vị hành chính mới, sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, để công tác sắp xếp bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu của các Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP và sau sắp xếp tạo bước phát triển, sức bật trong giai đoạn mới.
- Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã?
- Đối với công tác cán bộ do sắp xếp đơn vị chính cấp xã, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ: Khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì sẽ cần sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức của hai bên và giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực. Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp đơn vị hành chính (bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng đoàn thể), thành phố sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp; các chức danh cấp phó và công chức của 2 đơn vị sáp nhập thì được giữ nguyên, nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ được tiếp tục, không có gì thay đổi. Do đó, có thể thấy, không có gì đáng lo ngại về việc cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
- Điều người dân cũng quan tâm sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, trong giấy tờ tùy thân sẽ có thay đổi một số thông tin. Thành phố Hà Nội có giải pháp nào đối với nội dung này, thưa đồng chí?
- Chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể nội dung này trong thời gian tới. Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được thành phố chỉ đạo Công an thành phố thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ. Thực tế trước đây trong giai đoạn 1 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an thành phố xuống tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm thủ tục hành chính cho người dân, nên người dân có thể yên tâm về vấn đề này.
Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính để thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, Ban Chỉ đạo thành phố đã có chỉ đạo Công an thành phố và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn.
- Từ ngày 25-2-2024, các đơn vị đã triển khai việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường, đồng chí đánh giá thế nào về việc này tại các đơn vị?
- Sau khi có hướng dẫn của Sở Nội vụ, các quận, huyện đã triển khai rà soát rất nghiêm túc, lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư theo đúng quy định tại Nghị định số 66/2023/NĐ-CP.
Đáng chú ý, nếu như trước đây việc lập danh sách cử tri lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính chỉ hướng tới những người dân nơi cư trú thì nay theo Nghị định số 66/2023/NĐ-CP sẽ lấy ý kiến thêm đối với những người có đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên. Qua danh sách cử tri được niêm yết trong vòng 30 ngày, người dân kiểm tra thông tin nếu phát hiện sai sót thì phản ánh ngay, từ đó cán bộ thôn, tổ dân phố sẽ báo cáo UBND xã, phường để chỉnh sửa hoặc bổ sung thông tin cử tri chính xác, kịp thời.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!