Định hướng quy hoạch sông Hồng: Ý tưởng sáng tạo, phù hợp và đúng thời điểm
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh bày tỏ quan điểm ủng hộ định hướng nghiên cứu, khai thác phát triển sông Hồng trở thành trục không gian kết nối văn hóa, nghệ thuật sáng tạo, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế đô thị, được đặt ra tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học khẳng định, đây là những ý tưởng phù hợp, đúng thời điểm.
Thực hiện công phu, bài bản, nghiêm túc
- Ông nhận xét như thế nào về chất lượng của đồ án quy hoạch đến giai đoạn hiện nay?
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng phát triển, tăng cường kết nối giữa các địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng tài nguyên và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, nhằm phát triển bền vững Thủ đô, tạo động lực và là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển cho đất nước.
Quy hoạch Thủ đô cũng có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực, được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn. Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp, thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng, so với quy định là 24 tháng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được thực hiện công phu, bài bản, nghiêm túc.
Về cơ bản, tôi đồng tình với đánh giá của báo cáo về những cơ hội, thách thức và phương hướng phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, do tính phức tạp trong quy hoạch Thủ đô, một số nội dung, chủ trương nên được bàn thảo kỹ.
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất nhiều điểm mới, đột phá, trong đó sông Hồng sẽ là điểm nhấn, hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển của Hà Nội. Quan điểm của ông về định hướng này ra sao?
- Trong đồ án, không gian phát triển Thủ đô Hà Nội được tổ chức với 5 trục động lực. Trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm, kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng, với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông.
Tôi đánh giá cao và rất đồng tình bởi đây là những ý tưởng thể hiện sự sáng tạo mạnh mẽ, logic, phù hợp. Ngành thủy lợi đang nghiên cứu xây dựng đập dâng nước trên sông Hồng và sông Đuống. Sau khi có đập dâng, mức nước ở sông Hồng sẽ có dòng chảy quanh năm và tạo ra một trục cảnh quan rất đẹp. Hệ thống sông nội địa của Hà Nội như sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và hệ thống Bắc Hưng Hải sẽ cùng “sống lại”. Các công trình thủy lợi dọc hai bên sông được lấy nước chủ động.
Tính toán việc khai thác diện tích đất bãi
- Ông đánh giá như thế nào về phương án cụ thể mà liên danh tư vấn đưa ra trong việc sử dụng các bãi sông Hồng, đặc biệt là cơ sở để bảo đảm an toàn thoát lũ?
- Phương án sử dụng bãi sông Hồng theo đề xuất của liên danh tư vấn là tương đối hợp lý. Theo phương án này, trong hành lang thoát lũ không được phép xây dựng các công trình gây cản trở dòng chảy. Từ hành lang thoát lũ đến đê mới có thể khai thác các dịch vụ sinh thái, không ảnh hưởng đến thoát lũ. Bên trong đê mới được phép xây dựng, ưu tiên các công trình dịch vụ.
Đây cũng chính là mô hình mà một số nước trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản đã thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các quốc gia này đều đã cải tạo, xây dựng những con đê siêu bền.
Ngoài ra, cũng phải khẳng định, việc khai thác phần diện tích đất bãi, khi được ứng dụng các công nghệ đóng mở, ngăn và thoát dòng chảy cũng như làm đê hiện đại sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Cả mùa lũ và mùa khô sẽ đều an toàn cho người dân, các công trình hạ tầng và giữ trọn vẹn cảnh quan.
- Việc cải tạo, khai thác bãi nổi sông Hồng còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nguồn lực. Vậy ông có kiến nghị gì về giải pháp cho thành phố?
- Tôi cho rằng việc cải tạo sông Hồng là hết sức cần thiết. Để có nguồn lực thực hiện, theo tôi, Hà Nội nên đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng đất bãi như đất xây dựng. Đây chính là nguồn lực, tạo cơ sở để thành phố có thể hiện thực hóa mọi hoạch định liên quan đến phát triển trục cảnh quan sông Hồng. Tuy nhiên, đây là nội dung nhạy cảm, rất cần Hà Nội quan tâm tuyên truyền để người dân hiểu đúng về giải pháp và những tác động của nó.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị thành phố có phương án cải tạo sông Đáy để bảo đảm có dòng chảy quanh năm; thoát được lưu lượng phân lũ 2.500m3/s; có cảnh quan đẹp, đồng thời tăng thêm quỹ đất để phát triển thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần tạo dòng chảy thường xuyên trên sông Tô Lịch nhằm tạo cảnh quan, môi trường cho đô thị.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!