Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, chiều 2-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương tham dự.
Phát biểu tại cuộc làm việc, cơ bản đồng tình với báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Phú Yên là một trong các tỉnh ven biển miền Trung với nhiều yếu tố đặc trưng, có vị trí rất quan trọng, đầu mối gắn kết khu vực Tây Nguyên và vùng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, rất gần với đường hàng hải quốc tế, có cảng biển nước sâu. Tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp động lực như luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng sạch… Đây cũng là miền đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng; người dân có ý chí kiên cường, bất khuất, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước, có khát vọng vươn lên phát triển.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng và ấn tượng trước sự đổi thay của tỉnh, trong đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, năm 2023 cơ bản hoàn thành hết các chỉ tiêu. Phú Yên đã vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng “vượt bậc”, lọt top 10 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước năm 2023, cụ thể tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,16% (xếp thứ 10 trên cả nước, thứ 3/14 trong khu vực miền Trung). “Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 24.018,4 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ - tạo năng lượng mới cho năm 2023 và những năm tới. Tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, rất nhiều điểm kết nối; tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh đã bàn giao khoảng 97,5% mặt bằng.
Tỉnh đã được phê duyệt: Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, đây là cơ sở pháp lý và là định hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án động lực tạo đột phá trong thời gian tới.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai hiệu quả; đời sống của nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,25%.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động đạt kết quả tích cực. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục các cấp được nâng cao; quy mô giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng, chất lượng trường, lớp được cải thiện. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều cố gắng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được thực hiện đồng bộ, quyết liệt; thực hiện chặt chẽ công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp được nâng cao, bám sát tình hình thực tế địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát cơ sở.
Trung tâm kinh tế biển
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Phú Yên tiếp tục rà soát chỉ tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất. Quy hoạch phát triển tỉnh Phú Yên đến 2030, tầm nhìn đến 2045 sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho tỉnh. Theo đó tỉnh cần chú trọng việc triển khai quy hoạch bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn Phú Yên luôn là mảnh đất phú quý và bình yên, phát huy những nét riêng có về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa… Với dân số không quá đông, cũng không quá ít, trên diện tích tự nhiên hiện có cũng là yếu tố để Phú Yên có cơ hội phát triển.
Về công nghiệp, cần xác định đây là một trong những động lực chính và chủ chốt của tỉnh, tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Phú Yên có tiềm năng bứt phá để trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của các nước và khu vực, tỉnh cần khai thác yếu tố văn hóa hơn nữa trong phát triển du lịch.
Nông nghiệp cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Là địa phương có biển, Phú Yên cần thực hiện tốt việc quản lý khai thác hải sản, không để xảy ra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian tới.
Nêu rõ năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện cho cả năm mà cả nhiệm kỳ, không chỉ cho Phú Yên mà cả nước, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng mềm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nghiên cứu đến việc xây dựng để ban hành định hướng xây dựng thể chế, chính sách cho cả nhiệm kỳ ngay từ đầu nhiệm kỳ tới.
Cùng với khai thác hạ tầng kết nối, Phú Yên tập trung định hướng phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị; phấn đấu thực hiện mục tiêu cân đối ngân sách sớm hơn kế hoạch; quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua tỉnh Phú Yên (với 2 đoạn tuyến Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong); đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lưu ý bên cạnh những dự án đầu tư công trung hạn hiện có, năm 2024 tỉnh khởi động xây dựng khung đầu tư công trung hạn cho giai đoạn sau.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã có ý kiến trao đổi. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, với sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nắm chắc thời cơ và vận hội mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững; đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ như tên gọi của tỉnh - Phú Yên một vùng đất “bình yên” và “phú quý”.
* Nhân dịp đến thăm và làm việc tại tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Quốc hội đã vận động từ nguồn xã hội hóa kinh phí để xây dựng 1 trường học (trị giá 10 tỷ đồng) và kinh phí hỗ trợ xây dựng 100 nhà tình nghĩa cho người dân trên địa bàn tỉnh (5 tỷ đồng).
* Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đã đến kiểm tra kè chống xói lở ven bờ biển Xóm Rớ, thuộc phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa. Bờ kè có chiều dài gần 1km, vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành tháng 8-2024, công trình khi đi vào hoạt động sẽ bảo vệ an toàn cho hạ tầng đường Hùng Vương và khu vực phía Đông sân bay Tuy Hòa trước tình trạng sóng biển, triều cường xâm thực.