Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hoà

Theo TTXVN 02/03/2024 - 18:38

Tiếp tục chuyến công tác tại Khánh Hoà, sáng 2-3, tại thành phố Nha Trang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hoà.

khanh-hoa-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành buổi làm việc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện các bộ, ngành đánh giá cao các thành tựu mà Khánh Hòa đạt được trong thời gian vừa qua; đồng thời cho rằng tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, Khánh Hòa tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế phát triển, về hạ tầng và nguồn nhân lực; quan tâm thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số...

khanh-hoa-2.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh cho biết, thời gian qua, Trung ương đã rất quan tâm đến Khánh Hòa, tạo được tầm nhìn dài hạn cho địa phương, tạo niềm tin cho nhân dân và nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn. Kinh tế chủ yếu phát triển du lịch, lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do thiếu hạ tầng công nghiệp. Tỉnh mong Trung ương tạo điều kiện để tăng thêm chỉ tiêu đất công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, về thực hiện đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt; cơ chế tài chính thực hiện đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao...

Làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai chính sách

Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến phát biểu và theo dõi thực tế, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, có thể nhận thấy, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nổi bật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Khánh Hoà phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội quan trọng đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước. Tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 8,15%/năm (kế hoạch là 7,5%/năm). Khánh Hoà là 1 trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ở mức cao, kết quả khá toàn diện. Các cơ quan dân cử hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương, cụ thể hóa và tích cực triển khai hiệu quả những chính sách và nguồn lực như: Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 21-3-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022 của Quốc hội về thí điểm 1 số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đạt một số kết quả quan trọng bước đầu…

Đó là việc Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt sớm (3-2023); cùng với quy hoạch đô thị Cam Lâm đã được phê duyệt; đồ án điều chỉnh quy hoạch thành phố Nha Trang cũng đang được xem xét, phê duyệt...

khanh-hoa-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Về thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 (Nghị quyết số 55) của Quốc hội, Khánh Hoà cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản dưới luật để cụ thể hóa; đã xây dựng phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ cho huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa...

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để cụ thể hoá Nghị quyết 09-NQ/TW, tỉnh đã quan tâm, làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai thể chế chính sách của Trung ương. Điều này cho thấy sự chuẩn bị bài bản cùng với quyết tâm cao của tỉnh, vai trò của người đứng đầu. Trong khó khăn chung do tác động kép sau đại dịch, Khánh Hoà cũng có những khó khăn riêng nhưng tỉnh đã giữ vững đoàn kết nội bộ, tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cùng thực hiện khát vọng phát triển, vươn lên.

Tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển

Nhất trí với định hướng nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ với vị trí chiến lược, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt...

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (đường liên vùng Yang Bay - Tà Gụ) với số kinh phí hàng chục ngàn tỷ đồng giải ngân trên địa bàn.

Với các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thời gian qua, “có thể nói chưa bao giờ trong một thời gian ngắn, Trung ương ban hành nhiều văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa như vậy; thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với Khánh Hòa; đồng thời cũng là giao trách nhiệm cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Khánh Hòa”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Với những chính sách, thể chế và nguồn lực như vậy, nhấn mạnh năm 2024 là năm phải tăng tốc, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà tỉnh Khánh Hòa đã xác định trong năm 2024, đồng thời đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Khánh Hòa tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, văn bản của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chuẩn bị tốt việc tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trong năm 2025; tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết, tương tự như một số địa phương.

Mục tiêu khát vọng tầm nhìn đến 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu này trùng với mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Do đó, Khánh Hòa càng nhận thức vị trí đặc biệt của mình và mục tiêu đầy thách thức để tăng tốc phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với khuôn khổ, thể chế đã khá đầy đủ, những gì đạt được còn khoảng cách lớn với mục tiêu, với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn bình quân chung của cả nước, còn hơn 6 năm để thực hiện nên tỉnh cần tăng tốc ngay trong năm 2024, đến 2030, ít nhất tăng trưởng giữ mức hai con số, thậm chí cao hơn cả mục tiêu trong quy hoạch; thực hiện bằng những chương trình, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ rất cụ thể.

Trên tinh thần tầm nhìn, mục tiêu đã được xây dựng, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa tới cần xây dựng những nhiệm vụ cụ thể cho cả nhiệm kỳ ngay từ đầu khóa. Tỉnh chú ý vấn đề phát triển vùng ven biển theo hướng đột phá, tức là cả nhanh và bền vững, theo quan điểm lấy phía Đông hỗ trợ phía Tây. Trong lập đề án xây dựng nông thôn mới cho 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh - tiểu đô thị sinh thái núi rừng (năm 2030), tỉnh phải có đề án xây dựng nông thôn mới cho 2 huyện đặt trong tư duy tầm nhìn, nội hàm của “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.

Đồng thời, giữa địa phương và các bộ, ngành cần có sự phối hợp sát hơn nữa trong triển khai công việc. Cùng với đó chỉ tiêu đất công nghiệp cũng cần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế xanh, du lịch, Khánh Hòa cũng cần phát triển cơ sở công nghiệp, cụm công nghiệp bởi “muốn có cá to thì phải có ao sâu”, từ đó tạo công ăn tạo việc làm, tạo năng lực sản xuất mới...

Tỉnh tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, hạ tầng nghề cá tạo động lực phát triển. Trong xây dựng giao thông tránh thu hồi đất rừng phòng hộ, đặc dụng, hoặc nếu phải thu hồi thì ở mức tối thiểu, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để hạ thấp mức đầu tư, tiết kiệm đất rừng.

khanh-hoa-4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Nhấn mạnh năm 2024 tỉnh cần làm tốt công tác cải cách hành chính; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển 3 vùng động lực (khu vực vịnh Vân Phong; thành phố Nha Trang; khu vực vịnh Cam Ranh) và 4 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế Đông - Tây; hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh; hành lang Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn) tạo sự đột phá, lan tỏa mạnh mẽ.

Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistic; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin; công nghiệp hỗ trợ... Khánh Hoà cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến bảo đảm bền vững và hiệu quả cao; thực hiện tốt hơn nữa công tác giải ngân đầu tư công, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đề cập đến yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hoà...để sớm khơi thông nguồn lực, tiềm năng của địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; tăng cường quản lý đất đai, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng tỷ lệ che phủ rừng; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng, năng lực cạnh tranh; quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới.

Được biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55, tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện. Năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn; các huyện, thị xã, thành phố đã hỗ trợ cho 2 huyện 158 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại yêu cầu trong năm 2024, phấn đấu đưa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo, tỉnh quan tâm hạ tầng cung cấp nước, đảm bảo nước sinh hoạt và đời sống, nhất là ở hai huyện này.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển chính quyền số, kinh tế số; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc theo phương châm hành động năm 2024 của tỉnh là “quản trị - điều hành”.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Khánh Hòa, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã có ý kiến trao đổi. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định.