Người phụ nữ Hà thành trên rẻo cao
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tiết trời Sơn La lạnh “cắt da, cắt thịt”, nghĩ không thể sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nơi đây giờ không còn tập quán canh tác ỷ lại, “trông trời, trông đất, trông mây”, bà con các dân tộc H’Mông, Dao, Thái… thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã hăng hái xuống đồng trồng cấy, lên nương hái dâu tây từ những ngày đầu tiên của năm mới. Và ở nơi rẻo cao trùng trùng, điệp điệp núi rừng ấy, vẫn không khó nhận ra chị Nguyễn Ngọc Mai, Chủ tịch Hợp tác xã Dâu tây Ichi Farm, qua vóc dáng mảnh mai, nước da trắng và mái tóc dài óng mượt của người phụ nữ Hà thành giữa bao bà con dân tộc diện trang phục truyền thống xuống đồng đầu xuân.
Kỳ tích ở Cò Nòi
Nói về Chủ tịch Hợp tác xã Dâu tây Ichi Farm Nguyễn Ngọc Mai, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Dao Thảo (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) Nguyễn Văn Thêm nói: “Giờ cô Mai như người phụ nữ bản rồi vì gần mười năm nay cô cùng cả chồng, con lên xây dựng cơ ngơi, mang cây dâu tây về cho cả xã cùng xóa đói giảm nghèo. Nhờ thế, chuyện cây lúa, cây mía trồng mãi vẫn bấp bênh, nghèo đói bao năm được xóa bỏ, nếp sống mới cứ dần hình thành… Bà con vui lắm”.
Chỉ tay về những ngọn đồi bạt ngàn sắc đỏ dâu tây chín, ông Nguyễn Văn Thêm hào hứng khoe, gia đình trồng dâu tây nào cũng có ô tô để đi làm việc. Con đường trục chính của bản giờ thưa thớt người khi bà con chuyển hết vào nương xây trang trại. Cây dâu tây thay thế khoai, sắn, mía, trở thành cây chủ lực của cả vùng đất này.
“Nói có sách, mách có chứng”, ông Thêm cho hay, toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 500ha trồng dâu tây, sản lượng ước đạt trên 10.000 tấn quả tươi, tập trung ở 3 huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu, nhưng riêng huyện Mai Sơn chiếm diện tích lớn nhất. Dâu tây được bà con trồng nhiều là giống cây Hana của Nhật Bản, cho chất lượng quả vượt trội so với các cây dâu bản địa, khi chín ngọt vị, đậm đà và rất thơm.
Chủ tịch UBND xã Cò Nòi Nguyễn Anh Thu cũng kể, khi cây dâu tây xuất hiện ở xã cũng là lúc bà con bỏ tập quán canh tác theo kiểu mạnh nhà nào biết nhà nấy, mà tập trung trong Hợp tác xã Dâu tây Ichi Farm. Hợp tác xã được thành lập năm 2025, hiện có hơn 100 hộ nông dân tham gia, chủ yếu là người đồng bào Dao, H’Mông, Thái... Mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường tổng sản lượng dâu đạt trên 2.000 tấn quả. Đa phần các nương dâu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ giống, nguồn đất, nguồn nước và quy trình chăm sóc, thu hái. Sau mỗi năm thu hoạch, tính lợi nhuận, mỗi hộ lãi 100-300 triệu đồng. Trái dâu tây được trồng 9 năm qua ở Cò Nòi thì cũng ngần ấy thời gian đời sống của bà con đổi thay. Người dân nơi đây thường gọi đó là: Kỳ tích Cò Nòi.
Bỏ phố lên nương
Từ cuối đông đến đầu xuân này, những vườn dâu tây của Ichi Farm chín rộ. Khắp nẻo rừng Cò Nòi sáng rực sắc màu tươi vui, no ấm. Gần 10 năm bén rễ trên vùng đất mới, những cây dâu xuất xứ Nhật Bản đã thành cây xóa đói, giảm nghèo, đưa cả vùng đất đổi mới. Có được sự đổi thay này, bà con không quên chị Nguyễn Ngọc Mai - người đã mang "giống cây xóa đói giảm nghèo" đến vùng đất này.
Vốn là người sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gà - chính gốc phố cổ Hà Nội, nhưng vì đam mê với vùng đất mới và sẵn đà gây dựng thành công một thương hiệu phân phối hoa quả sạch có tiếng tại Hà Nội, nên 10 năm trước, khi đi qua mảnh đất Mai Châu, chị Mai đã nung nấu ý định gây dựng trang trại, biến nơi đây trở thành quê hương thứ 2 của mình. “Tại Hà Nội, ngồi cà phê với bạn bè ngoài phố, tôi thấy nhiều hàng rong bán dâu tây có nguồn gốc không rõ ràng nhưng nói là trồng ở Đà Lạt, Mộc Châu… Chính điều này đã thúc giục tôi phải làm điều gì đó để nông sản do chính tay bà con mình trồng ra được nhận diện đúng tầm” - chị Mai kể lại cơ duyên.
Tự mày mò tìm hiểu và được các kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ, chị Mai đã dốc sức để biến hoài bão của bản thân thành hiện thực. Những vườn cây đầu tiên ra đời trên quê hương mới Cò Nòi dần chứng minh cho sự thích hợp của trái dâu với vùng đất có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.
Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu, bà con vẫn xa lạ với phương thức canh tác hiện đại theo hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp: Dòng nước tưới ra tận vườn, che chắn bạt giữ độ ẩm cho đất… Để vận động, thuyết phục bà con, chị Mai không còn cách gì khác là thực hiện “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Dần dần, khi thấy vườn dâu tây do chị chăm sóc luôn mang lại năng suất cao nên người dân nhận thấy đây là phương thức canh tác đúng đắn, tự giác thay đổi, học theo chị. Sau gần 10 năm “bỏ phố”, chị Mai giờ được bà con quý mến, coi như người con của dân bản.
Trồng ra thành phẩm chất lượng cao, số lượng lớn, chị Mai tiếp tục trăn trở tìm đầu ra. Thành công bước đầu khi các chợ đầu mối truyền thống lẫn siêu thị lớn tại Hà Nội đã tin tưởng lựa chọn, bày bán dâu tây Ichi Farm bên cạnh những thương hiệu ngoại nhập. “Ngoài chất lượng vượt trội, giống dâu này có thể vận chuyển đi xa vì quả khá khỏe, để được dài ngày mà không bị trầy xước, hư hỏng”, chị Mai cho biết.
Chị Lò Thị Hồng ở bản Mòn, xã Cò Nòi được biết đến là người dân tộc Dao thành công nhất khi chuyển đổi từ trồng ngô, mía sang cây dâu tây. Nương dâu tây của chị Hồng hiện là một trong những nương lớn nhất xã, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Kể từ khi mạnh dạn chuyển sang trồng dâu tây, chị Hồng đã có nhà cao tầng, xe ô tô. Sản phẩm làm ra đã có Hợp tác xã Dâu tây Ichi Farm thu mua, phân phối. Chị Hồng tâm sự, ngoài chăm chút cho nương dâu của gia đình, chị và bà con còn đi hái dâu cho Hợp tác xã mỗi khi nông nhàn. Việc làm thêm này cũng đem lại thu nhập khá nên bà con không còn bỏ bản lên thành phố.
Tin vui đến ngay từ những ngày đầu năm mới, nhờ mưa thuận, gió hòa nên sản lượng dâu tây Cò Nòi dự kiến tăng gấp đôi, gấp ba mọi năm. Chị Mai đã bàn với trưởng bản, già làng quyết định mở một lễ hội dâu tây nhân dịp xuân mới. Lễ hội có nhiều hoạt động gắn với công việc hằng ngày của bà con, trong đó có cuộc thi hái dâu tây, chọn ra những người phụ nữ có bàn tay khéo léo nhất, hái được nhiều dâu mà quả vẫn tươi rói…
Đêm trước lễ hội, bên ánh lửa bập bùng, những mảnh khăn quấn đầu của các chị, các mẹ chụm lại bên thửa ruộng dâu chín tỏa hương thơm ngát. Trong câu chuyện vui đêm xuân, bà con cùng nhau mơ đến ngày mảnh đất quê hương sẽ trở thành điểm du lịch quảng bá hình ảnh quả dâu tây, không thua kém gì những địa danh nổi tiếng như đảo Jeju của Hàn Quốc hay chính gốc cây dâu tây Hana đến từ xứ Phù Tang.
Đồng cảm với tâm tư này của bà con được Chủ tịch UBND xã Cò Nòi Nguyễn Anh Thu khẳng định, trong chiến lược phát triển của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mai Sơn nói riêng, vùng dâu tây Cò Nòi được quy hoạch phát triển du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao và sản phẩm chủ lực là dâu tây.
Bước vào tuổi 40, ở độ “chín” của người hội tụ đủ nhiệt huyết, kinh nghiệm và tình yêu, cùng sự gắn kết với vùng đất Cò Nòi, những người như chị Mai luôn sẵn sàng góp sức để biến mọi hoạch định, chiến lược trên giấy thành hiện thực. Cơ sở quan trọng nhất cũng đã có. Đó là khi bà con dân tộc đã thay đổi tư duy, tiệm cận nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp hiệu quả, cho năng suất, chất lượng cao.
Xuân này, họ hăng say sản xuất từ ngày đầu tiên năm mới. Cảnh "con trâu đi trước, người dân ngất ngư men rượu vác cày đi sau" được thay bằng váy xòe, áo chàm nhuộm sắc mới vui tươi ra ruộng, lên nương hái những trái dâu tây. Mùa xuân chín đang vẫy chào...