Eurozone “hạ nhiệt” lạm phát
Văn phòng thống kê của Ủy ban châu Âu cho biết, giá tiêu dùng hàng năm tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro (Eurozone) ở mức 2,6% trong tháng 2, giảm so với mức 2,8% được ghi nhận hồi tháng 1.
Nếu tỷ lệ lạm phát càng sớm giảm xuống gần mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng này càng sớm có xu hướng hạ lãi suất hiện ở mức 4%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục chậm lại do giá năng lượng giảm và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng được cải thiện.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại ECB vẫn tỏ ra thận trọng về thời điểm giảm bớt những nỗ lực chống lạm phát. Tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu, bà Christine Lagarde lưu ý, nhu cầu lớn về mức lương cao hơn có thể khiến giá cả tăng.
“Tăng trưởng tiền lương dự kiến sẽ trở thành yếu tố ngày càng quan trọng đối với lạm phát trong những quý tới”, người đứng đầu ECB nhận định.
Các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ họp vào tuần tới nhưng hầu hết nhà phân tích không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm cho đến giữa năm 2024.
Theo New York Times, 2 nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp đều báo cáo giá tiêu dùng giảm. Tại Đức, giá tiêu dùng giảm xuống còn 2,7% trong tháng 2 từ mức 3,1% ở tháng trước đó. Cùng giai đoạn, Pháp ghi nhận mức giảm từ 3,4% xuống còn 3,1%, cũng là mức thấp nhất trong 2,5 năm.
Tại Tây Ban Nha, giá tiêu dùng hằng năm giảm mạnh, từ 3,5% trong tháng 1 xuống còn 2,9% ở tháng 2. Italia và Latvia là những quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất (dưới 1%), trong khi Áo, Croatia và Estonia dẫn đầu với mức lạm phát trên 4%.