Giá vàng sẽ diễn biến ra sao?
Trong hai tháng đầu năm 2024, giá vàng diễn biến theo hướng đi lên, tăng tổng cộng hơn 5 triệu đồng/lượng so với cuối năm 2023. Các chuyên gia dự báo, giá kim loại quý này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Giá vàng tăng hơn 5 triệu đồng/lượng
Sau khi tăng vọt lên mức kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 26-12-2023, giá vàng giảm mạnh, xuống mức 71 triệu đồng/lượng (mua vào) - 74 triệu đồng/lượng (bán ra) vào ngày cuối cùng của năm 2023. Bước sang năm 2024, giá vàng có diễn biến đáng chú ý. Ngày 2-1, giá vàng tăng tới 3 triệu đồng/lượng, lên mức 74 triệu đồng/lượng (mua vào) và 77 triệu đồng/lượng (bán ra). Đây là mức tăng rất cao của giá vàng sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Đáng nói, biên độ chênh lệch giá mua - bán tiếp tục được duy trì ở mức cao, 3 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, giá vàng trong nước tăng mạnh dù giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ gần 7 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch cuối năm 2023, lên mức 2.069,8 USD/ounce. Sau đó, giá vàng giảm dần, xuống mức 72,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 75 triệu đồng/lượng (bán ra), rồi trở về mức như ngày cuối cùng năm 2023.
Trong tháng 1-2024, giá vàng tăng lên mức 74,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 77,5 triệu đồng/lượng (bán ra) vào ngày 13-1 khi giá vàng thế giới tăng 20 USD/ounce, lên mức giá 2.048 USD/ounce, rồi lại hạ nhiệt. Sang tháng 2-2024, trước và sau Tết Nguyên đán, giá vàng tăng trở lại vùng 78 triệu đồng/lượng và có thời điểm đi ngược giá vàng thế giới. Cụ thể, sáng 27-2, trong khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước tăng 500.000 đồng/lượng, lên 77,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 79,5 triệu đồng/lượng (bán ra), cao nhất trong 2 tháng qua.
Đến ngày 29-2, có thời điểm giá vàng tăng mạnh lên mức 78 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80 triệu đồng/lượng (bán ra). Ngày đầu tiên của tháng 3 (1-3), giá vàng tăng 300.000 đồng/lượng mỗi chiều, lên mức 77,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 79,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, phổ biến quanh 18 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với cuối năm 2023, giá vàng đã cao hơn 5 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đi lên trong bối cảnh dịp cuối năm và đầu năm là thời điểm nhu cầu mua vàng tăng cao phục vụ lễ, Tết, cưới hỏi và tích lũy. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường trong nước những ngày gần đây đi lên.
Nhiều khả năng tiếp tục tăng
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, giá vàng thế giới có xu hướng ổn định hoặc tăng nhưng không đáng kể. Từ nay đến tháng 4 và tháng 5, giá vàng xoay quanh mốc 2.000 USD/ ounce, theo đó giá vàng trong nước cũng có chiều hướng ổn định.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh cải thiện, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, nhà đầu tư sẽ quan tâm vào sản xuất, kinh doanh thay vì vàng. Hơn nữa, năm 2023, giá vàng thế giới tăng mạnh có nguyên nhân nhiều quốc gia mua vàng dự trữ nên nhu cầu vàng thế giới tăng. Năm 2024, các nước có thể không mua vàng nhiều như trước. Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, từ đó đẩy giá vàng đi lên. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng lại giảm bởi giảm lãi suất sẽ giúp sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, thị trường chứng khoán tăng, giá trị USD cũng tăng lên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thuyết, đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu nhìn nhận, giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, tài chính và cung - cầu thị trường. Trong nước, nhu cầu về vàng khá cao, không chỉ để tích lũy, làm trang sức mà cả trong ngành nghề khác. Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Trên thế giới, bất ổn địa chính trị vẫn căng thẳng. Vì vậy, giá vàng tiếp tục tăng.
Ngoài ra, yếu tố có thể đến tác động đến giá vàng trong nước đó là việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc sửa đổi là cả quá trình, không thể tác động một sớm một chiều đến giá vàng. Do đó, khi chưa có thay đổi cơ bản, giá vàng sẽ vẫn ở mức cao và chênh lệch lớn với giá vàng thế giới”.
Vậy giá vàng có thể chạm đến mức nào trong thời gian tới? Theo dự báo của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tình hình địa chính trị căng thẳng sẽ đẩy giá vàng thế giới có thể đạt mức 2.100 USD/ounce trong năm nay. Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang được xem xét điều chỉnh sẽ gây áp lực đẩy giá vàng miếng SJC đi xuống, song nhu cầu về vàng vẫn rất cao trong khi các kênh đầu tư khác chưa thực sự sáng, nên về tổng thể giá vàng có khả năng chạm mức 82 triệu đồng/lượng.
Nhằm quản lý hiệu quả thị trường vàng, mới đây, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15-2-2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng, thời hạn là ngay trong quý I-2024. Trước đó, cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng Ngân hàng Nhà nước trao lại vai trò nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp kinh doanh uy tín thay vì Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất. Bên cạnh đó, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC nhằm tạo sự cạnh tranh trên thị trường vàng.