Kiểm soát bệnh đái tháo đường, phòng biến chứng
Thời điểm sau Tết, nhiều bệnh viện ghi nhận tình trạng quá tải bệnh nhân đái tháo đường. Số ca nhập viện cấp cứu do biến chứng nặng đái tháo đường cũng tăng lên so với cùng kỳ các năm trước.
Gia tăng bệnh nhân đái tháo đường nhập viện
Tại Khoa Điều trị tích cực của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ghi nhận, số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng về đái tháo đường tăng mạnh thời gian vừa qua. Chỉ trong tuần đầu làm việc sau Tết, nhưng phần lớn giường bệnh của khoa đã kín bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân từ các nơi khác vẫn tiếp tục được chuyển về.
Bác sĩ Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, có thời điểm lượng bệnh nhân cấp cứu tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình, vào đêm giao thừa, kíp trực đã hoạt động hết công suất khi liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu biến chứng nặng.
Trong đó, đa phần là các bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường lâu năm mắc phải một bệnh nhiễm trùng, thông thường là hô hấp (do thời tiết lạnh) và tiết niệu hoặc là biến chứng bàn chân (do bệnh nhân biến chứng bàn chân mất cảm giác ở bàn chân nên bị vật lạ xâm nhập mà không phát hiện ra).
Nguyên nhân là do những ngày Tết, người dân mải lo Tết nên dẫu có bệnh cũng cố chờ đến sau Tết mới đi khám. Bên cạnh đó, do thói quen sinh hoạt đảo lộn, bỏ bê tập luyện, tâm lý ăn uống vui chơi hết mình trong ngày Tết khiến nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường hết Tết cũng... “lao đao” nhập viện. Như trường hợp bệnh nhân Đ.V.S (66 tuổi, ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đã phải nhập viện trong tình trạng phù phổi cấp, viêm phổi, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, rối loạn chuyển hóa.
Hay bệnh nhân T.M.T (85 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường hơn 10 năm. Trước đó, vì biến chứng tiểu đường, bệnh nhân này đã bị tai biến mạch máu não 3 lần trong đó lần gần nhất cách đây 3 tháng. Lần này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng loét vị trí tỳ đè vùng cùng cụt, vùng mông 2 bên, vết thương lan rộng, hoại tử, chảy dịch mủ nhiều. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra khi người bị đái tháo đường không kiểm soát được mức đường huyết trong máu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với người lớn tuổi, khi mắc một bệnh nhiễm trùng, việc kiểm soát đường huyết trở nên rất phức tạp, đòi hỏi phải thay đổi phác đồ điều trị. Vì vậy, để tránh trường hợp này, khi có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần phải được đưa tới các bệnh viện chuyên khoa có chuyên môn và uy tín để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.
“Sống chung” với đái tháo đường để tránh biến chứng
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính, tiến triển với nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Đường huyết cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm như tổn thương mắt có thể gây ra mù lòa; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi; tăng huyết áp, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim... làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Các nghiên cứu về dịch tễ học trong những năm qua đã cho thấy bệnh đái tháo đường type 2 không ngừng gia tăng. Riêng tại Hà Nội, năm 2021 kết quả điều tra về đái tháo đường của người dân từ 18 - 69 tuổi cho thấy: Tỷ lệ tiền đái tháo đường 16%; tăng đường huyết là 10,2%; tăng huyết áp 30,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 19,2%; tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng giảm 14,2%; tỷ lệ uống từ 6 đơn vị cồn trở lên giảm còn 9,4%.
Sự gia tăng này cho thấy sự bùng nổ của bệnh đái tháo đường trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.
Để dự phòng sớm, quản lý và điều trị kịp thời nhằm giảm sự gia tăng mắc bệnh đái tháo đường và các biến chứng của bệnh, trước hết mọi người phải biết rõ đái tháo đường là một bệnh rối loạn suốt đời. Do đó, người mắc bệnh cần thường xuyên xét nghiệm đường máu để điều trị sớm, ngăn ngừa biến các biến chứng nguy hiểm; duy trì hoạt động thể lực hằng ngày, chế độ ăn uống hợp lý.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường vào những ngày bình thường kiểm soát rất tốt chế độ ăn uống, nhưng vào dịp Tết lại “buông lỏng kỷ luật” dẫn tới bệnh biến chứng nguy hiểm.
Một điều quan trọng trong chế độ ăn của người tiểu đường đó là hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa, các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh hoặc chế biến sẵn; nên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, rau củ, các loại đậu như đậu nành...; các thực phẩm nguyên hạt như ngũ cốc...