Hơn 85% hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đã có 1.434/1.679 hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đạt tỷ lệ hơn 85%.
Thông tin trên được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết chiều 1-3.
Cụ thể, các địa phương có tuyến đường đi qua đã bàn giao được tổng diện tích đất gần 403ha/hơn 410ha đất cần thu hồi phục vụ dự án, đạt tỷ lệ hơn 98%. Trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100% diện tích bàn giao mặt bằng.
Đã có 1.434/1.679 hộ đã bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 85,41%. Tổng số tiền đã chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 7.933 tỷ đồng, chiếm 88,86% số vốn.
Được khởi công vào tháng 6-2023, các gói thầu xây lắp đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thi công các hạng mục phụ trợ, đào bóc hữu cơ, đường công vụ và kết cấu phần dưới hạng mục cầu, hầm, cọc khoan nhồi. Một số gói thầu đã thi công phần chính của dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76km (trong đó, đoạn tuyến qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh dài 47,51km; tỉnh Đồng Nai dài 11,26km; tỉnh Bình Dương dài 10,76km; tỉnh Long An dài 6,81km).
Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Liên quan đến dự án đường Vành đai 3, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa đề xuất điều chỉnh thiết kế Vành đai 3 để bổ sung các tuyến đường kết nối, tăng cường khai thác hiệu quả của các tuyến đường này.
Việc điều chỉnh thiết kế nhằm triển khai đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông Gò Công và nhánh nối đường Xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công trên Vành đai 3. Bên cạnh đó, đề xuất phương án thiết kế bổ sung chỗ ra, vào cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Phước Thiện (thành phố Thủ Đức).