Xã hội

Xây dựng kế hoạch giảm, tiến tới xóa hộ nghèo ở Thạch Thất

Vũ Thủy 01/03/2024 13:55

Rà soát, có giải pháp căn cơ cho vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thạch Thất, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế...

Sáng 1-3, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 08) tại Thạch Thất.

Tham gia Đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và một số sở, ban, ngành.

3(1).jpg
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức báo cáo tại buổi giám sát.

Đạt 16/27 chỉ tiêu

Tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng cho biết: Sau 3 năm thực hiện Chương trình 08, toàn huyện đã đạt 16/27 chỉ tiêu; các chỉ tiêu còn lại phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức năm 2025.

Trong đó,huyện đã giải quyết việc làm cho 17.187 lao động. Đến hết năm 2023, Thạch Thất có 93,74% dân số tham gia BHYT (vượt 0,24% kế hoạch); 26.686 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt tỷ lệ 43,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,2% kế hoạch); 3.890 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,3% kế hoạch). Tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội đạt 54%.

2(1).jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị.

Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 100 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2025 đạt 120 triệu đồng/người/năm. Huyện đã xây 41 nhà, sửa 20 nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, còn 22 hộ nghèo (0,04%), 1.680 hộ cận nghèo (2,95%), huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo mỗi năm giảm 10%.

Cùng với đó, từ khi thực hiện Chương trình 08, đến nay Thạch Thất có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời, huyện quan tâm đầu tư cơ sở giáo dục - đào tạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư nâng cao năng lực y tế, chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đối tượng hiện đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng trên địa bàn là 7.992 người. 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội được miễn học phí.

Có giải pháp căn cơ cho vấn đề môi trường

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Chương trình 08, qua đó hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả đạt được của Thạch Thất, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đề nghị thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, có giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, tập trung phát triển kinh tế, làng nghề, quy hoạch hệ thống hạ tầng, quan tâm công tác vệ sinh môi trường; đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp. Trong đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

1(2).jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Chương trình 08 có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Thời gian qua, huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình với việc ban hành nhiều văn bản; phân công, phân nhiệm, có sự kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng hoan nghênh huyện đã đạt một số chỉ tiêu cao trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, thu ngân sách trên địa bàn đạt cao (trên 1.000 tỷ đồng); giải ngân vốn đầu tư đạt cao...

Thời gian tới, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, huyện rà soát, tổng hợp các chỉ tiêu khó thực hiện; đánh giá nguyên nhân, nêu rõ giải pháp; đồng thời, kiến nghị, đề xuất với thành phố những khó khăn, vướng mắc, từ đó có hướng tháo gỡ để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu.

Trưởng đoàn giám sát cũng yêu cầu huyện Thạch Thất xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm từ nay đến cuối nhiệm kỳ với các chỉ tiêu đạt thấp như: Tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hỏa táng, xây dựng trạm y tế, trường chuẩn quốc gia... Huyện cần có kế hoạch để giảm, tiến tới xóa hộ nghèo trên địa bàn, có giải pháp căn cơ để giảm tỷ lệ hộ cận nghèo.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn gợi ý, để hoàn thành các chỉ tiêu trên, huyện cần đưa ra các giải pháp cụ thể, thực tế, hiệu quả. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, quán triệt, vận động tới các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân để nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia, vào cuộc của toàn xã hội.

“Thực hiện an sinh xã hội cho người dân là quá trình không có điểm dừng, huyện Thạch Thất cần rà soát lại các chương trình, nghị quyết của thành phố và các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn, miền núi để có sự liên thông trong thực hiện Chương trình số 08”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Nêu rõ thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn là tạo cơ sở phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, huyện Thạch Thất có thế mạnh nhiều làng nghề, cụm công nghiệp, nhưng lại chưa đồng bộ trong bảo vệ môi trường. Vì thế, huyện cần rà soát, có giải pháp căn cơ cho vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt; không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế...