Trái tim nhân ái

Có kế hoạch căn cơ để giảm nghèo bền vững trên địa bàn Ứng Hòa

Đình Hiệp 01/03/2024 - 13:48

Trên địa bàn vẫn còn 1.200 hộ cận nghèo, nên để giảm nghèo bền vững, huyện Ứng Hòa cần có kế hoạch, giải pháp căn cơ.

Sáng 1-3, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện Ứng Hòa.

u-1.jpg
Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giám sát việc thực hiện Chương trình 08 tại huyện Ứng Hòa.

Tham gia Đoàn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, đại diện các sở, ngành liên quan.

Đạt 13/27 chỉ tiêu

Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: Tính đến cuối năm 2023, huyện đã đạt 13/27 chỉ tiêu của Chương trình. Kinh tế huyện duy trì tăng trưởng, nhiều chỉ số phát triển tăng so với cùng kỳ năm trước; các lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.

Cụ thể, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành công. Ứng Hòa được công nhận huyện nông thôn mới năm 2022; 3 xã: Hòa Xá, Hòa Phú, Đông Lỗ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

u-2.jpg
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn báo cáo Đoàn giám sát.

Huyện chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, công tác giảm nghèo vượt kế hoạch được giao: Năm 2023 giảm được 44/46 hộ nghèo (đạt 275% kế hoạch HĐND huyện giao).

Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 54,7 triệu đồng/người; năm 2022 đạt 61,2 triệu đồng/người và năm 2023 tăng lên 68,2 triệu đồng/người.

Toàn huyện hiện có 90 trường công lập, 1 trường mầm non ngoài công lập và 8 cơ sở giáo dục mầm non độc lập với 39.300 học sinh/1.309 lớp (nhóm lớp). Công tác phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch, việc rà soát, cập nhật, bổ sung quy hoạch trường học trên địa bàn các xã, thị trấn đã được phê duyệt. Đến nay, huyện có hệ thống trường học phủ kín 29 xã, thị trấn ở tất cả cấp học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Các nghị quyết của HĐND thành phố hỗ trợ và dự kiến hỗ trợ cho huyện thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 92 dự án cho 3 lĩnh vực đầu tư xây dựng, cải tạo trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Trong đó, có 2 dự án cấp thành phố quản lý, 90 dự án cấp huyện quản lý với tổng mức đầu tư dự kiến 2.970 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Chí Viễn, Ứng Hòa còn 3 chỉ tiêu khó hoàn thành gồm chỉ tiêu tỷ lệ hỏa táng (73-75% đến cuối năm 2025); số giường bệnh/vạn dân (30 giường bệnh/vạn dân trở lên); số bác sĩ/vạn dân (15 bác sĩ).

Từ thực tế trên, huyện kiến nghị thành phố quan tâm quy hoạch tạo động lực phát triển cho huyện, như: Mở rộng và phát triển đô thị; quy hoạch mới hệ thống y tế, giáo dục chuyên nghiệp; phát triển không gian công viên cây xanh, du lịch, vui chơi giải trí gắn với trục sông Đáy và kết hợp các công trình di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, làng nghề…

Quan tâm chăm lo hộ cận nghèo

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của huyện trong công tác giảm nghèo; y tế và đầu tư thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực. Đặc biệt, nhóm các tiêu chí y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện đều vượt cao so với mặt bằng chung của thành phố.

Đề nghị tiếp tục quan tâm chăm lo hộ cận nghèo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà yêu cầu huyện có đề án cụ thể về dạy nghề, giải quyết việc làm, cho đối tượng này vay vốn để phát triển kinh tế...

Lưu ý nhiều năm nay, giáo dục của huyện đều xếp thứ hạng cuối toàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho rằng, Ứng Hòa phải tìm ra nguyên nhân để có hướng giải quyết; nghiên cứu quy hoạch lại mạng lưới trường và định hướng về mô hình trường học, tránh đầu tư dàn trải, không mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, huyện cần sắp xếp lại mạng lưới y tế cũng như rà soát, đánh giá và chủ động đề xuất với thành phố về đội ngũ cán bộ y tế và cơ chế đặc thù. Ứng Hòa có thể nghiên cứu áp dụng mô hình liên kết giữa bệnh viện trung tâm và tuyến cơ sở, cùng với các mô hình khác.

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương kết quả Ứng Hòa đạt được trong thực hiện Chương trình 08-CTr/TU trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Với những chỉ tiêu chưa đạt, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện đánh giá thực tế, sát với từng địa phương. Trên cơ sở nhận diện được những khó khăn, hạn chế, huyện quan tâm công tác quy hoạch, tính đến khả năng kết nối đường Vành đai 5 qua huyện Mỹ Đức và mạnh dạn đề xuất thành phố những đề án lớn trong phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, Ứng Hòa phải xác định hạn chế lớn nhất tác động đến sự phát triển chính là ô nhiễm nguồn nước sông Đáy, từ đó có đề xuất với thành phố.

ongphong.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, huyện cần đẩy mạnh đào tạo nghề, có sự liên kết với các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố. Đối với giáo dục - đào tạo, huyện cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ về đội ngũ giáo viên mà cả đội ngũ cán bộ quản lý để tạo ra động lực mới. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng để tạo ra sự phát triển và có phương án liên kết với những cơ sở giáo dục đầu ngành. Ngoài ra, phải sắp xếp quy hoạch trường lớp và dự báo được sự gia tăng dân số để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị, huyện Ứng Hòa mạnh dạn có giải pháp cho y tế người cao tuổi; y tế học đường để làm điểm của thành phố. Ngoài ra, huyện cần đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với định hướng phát triển thời gian tới, trong đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng các chuyên ngành, lĩnh vực huyện cần; đề xuất điều động cán bộ về hỗ trợ để giải quyết căn cơ những hạn chế của huyện.

Lưu ý trên địa bàn huyện vẫn còn 1.200 hộ cận nghèo, nên để giảm nghèo bền vững, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, Ứng Hòa cần có kế hoạch, giải pháp căn cơ. Các sở, ngành, qua đợt giám sát, cần xác định nhóm địa phương cần quan tâm hỗ trợ đặc biệt; nhóm cần hỗ trợ vay vốn; quan tâm phát triển hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp vì đây là tỷ trọng kinh tế chính của một số địa phương...