Tổng thống Pháp bảo lưu tuyên bố về khả năng điều quân tới Ukraine
Tổng thống Pháp Macron gạt bỏ những lời chỉ trích từ các thành viên NATO, khẳng định lời nói của ông đã “được cân nhắc và suy nghĩ kỹ”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29-2 tuyên bố bảo lưu những nhận xét gây tranh cãi của ông hồi đầu tuần về triển vọng điều binh sĩ của các thành viên NATO tới Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp khẳng định, lời nói của ông đã được cân nhắc kỹ lưỡng, cho dù đã gây náo động trong một số đồng minh NATO.
Phát biểu với các phóng viên bên lề chuyến thăm thị sát làng Thế vận hội 2024 gần Paris, ông Macron từ chối rút lại tuyên bố của mình bất chấp hàng loạt chỉ trích từ một số thành viên trong khối quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Đây là những vấn đề đủ nghiêm trọng. Mỗi lời tôi nói về vấn đề này đều được cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng”, ông Macron tuyên bố.
Hôm 26-2, Tổng thống Pháp đã gây ra những phản ứng chính trị khi nói chuyện với các phóng viên sau khi chủ trì một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris.
Ông Macron nhấn mạnh rằng, phương Tây không nên dừng lại ở việc ngăn cản Nga chiếm thế thượng phong trong cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời cho biết, không thể loại trừ việc NATO và các nước phương Tây khác triển khai binh sĩ tới Ukraine.
Ông Macron nói: “Hôm nay không có sự đồng thuận nào về việc gửi quân đội tới thực địa một cách chính thức. Nhưng xét về mặt động lực, chúng tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để ngăn chặn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Nhà lãnh đạo Pháp lưu ý thêm: “Chúng ta phải xem xét tình hình và nhận ra rằng an ninh tập thể của chúng ta đang bị đe dọa… Chúng ta phải tăng tốc. Nga không được giành chiến thắng, không chỉ cho Ukraine, mà bằng cách làm như vậy, chúng ta đang đảm bảo an ninh tập thể cho ngày hôm nay và cho tương lai".
Tuyên bố về viễn cảnh điều quân đến Ukraine đã gây ra một làn sóng phủ nhận từ các thành viên NATO, với nhiều thành viên lớn của khối, bao gồm Mỹ, Anh và Đức, khẳng định họ không có kế hoạch nào như vậy. Tuy nhiên, một số thành viên nhỏ hơn trong khối, cụ thể là Estonia và Lithuania (Litva), dường như ủng hộ ông Macron, cho rằng không nên loại trừ việc triển khai binh sĩ tới Ukraine.
“Chúng ta không nên sợ sức mạnh của chính mình. Nga đang nói bước này hay bước kia là leo thang, nhưng phòng thủ không phải là leo thang”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với đài Sky hôm 28-2. “Tôi đang nói rằng chúng ta nên có tất cả các lựa chọn trên bàn. Chúng ta có thể làm gì hơn nữa để thực sự giúp Ukraine giành chiến thắng?”
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, việc triển khai quân tới Ukraine là quyết định có chủ quyền của các nước thứ ba, song cả Mỹ và NATO trước đó đều nói rõ rằng họ không có kế hoạch đó.
“Đó là một quyết định có chủ quyền mà mọi đồng minh NATO sẽ phải tự đưa ra. Tổng thống Joe Biden đã nói rõ ràng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột rằng, sẽ không có binh sĩ Mỹ nào đóng vai trò chiến đấu ở Ukraine”, ông Kirby nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khẳng định: “Những gì đã được thỏa thuận ngay từ đầu giữa chúng ta sẽ được áp dụng trong tương lai, cụ thể là các nước châu Âu hoặc thành viên NATO sẽ không điều bất cứ binh sĩ nào đến Ukraine”.
Nga đã lên án mạnh mẽ phát biểu của ông Macron, đồng thời cảnh báo khối do Mỹ đứng đầu không nên thực hiện thêm các động thái thù địch.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, nếu quân đội NATO thực sự được triển khai tới Ukraine, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa liên minh này và Nga sẽ không chỉ “có thể” mà còn thực sự là “không thể tránh khỏi”.