Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả khi người dân thực sự hài lòng

Nguyễn Mai 01/03/2024 - 06:37

Đến nay, Hà Nội có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 172 xã nông thôn mới nâng cao, 65 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đáng chú ý, qua lấy ý kiến của người dân, mức độ hài lòng về xây dựng nông thôn mới đạt khá cao. Đây được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.

yen-my.jpg
Khu vui chơi thể thao tại thôn 3, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) được xây dựng mới phục vụ nhân dân.

Cùng làm, cùng thụ hưởng

Yên Mỹ là xã nhỏ của huyện Thanh Trì với 1.963 hộ dân, diện tích tự nhiên gần 385ha, trong đó chiếm gần 50% là đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, xã Yên Mỹ đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Nguyễn Hồng Dương, thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong giai đoạn 2021-2025, UBND xã đã làm chủ đầu tư 30 dự án, trong đó có 14 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với nguồn vốn hơn 126 tỷ đồng; 11 dự án đang triển khai, 5 dự án đang nghiên cứu để trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nhờ vậy, Yên Mỹ hôm nay đã thực sự chuyển mình. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã như nhà văn hóa, trường học, đường giao thông... nhờ được đầu tư đồng bộ đã khang trang hơn nhiều so với cách đây vài năm; các ao, hồ được kè cứng. Năm 2023, người dân thôn 3 (Yên Mỹ) còn được đầu tư nhà văn hóa kết hợp khu cây xanh, vui chơi thể thao rộng 7.000m2. Ở đây có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hoạt động hội họp, vui chơi của người dân, có wifi miễn phí…

Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Yên Mỹ mang đến sự hài lòng rất lớn cho người dân. Qua lấy ý kiến của 1.941 hộ tại xã Yên Mỹ (chiếm 93,4% tổng số hộ trên địa bàn xã) về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ hài lòng của người dân từ câu hỏi số 1 đến câu số 9 liên quan đến phát triển kinh tế, giao thông, kiến trúc nhà ở, thu nhập bình quân đầu người... đạt cao nhất là 99,8%, thấp nhất là 98,8%.

Xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. Phấn khởi trước những kết quả đạt được, Bí thư Chi bộ thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) Nguyễn Văn Điều cho biết, hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới nên nhân dân rất tích cực tham gia. Thôn có hơn 1.700 hộ và nhiều hộ đã tham gia hiến đất mở đường...

Tại xã Tiên Dược và hai xã khác thuộc huyện Sóc Sơn là Mai Đình, Trung Giã - vừa được thành phố Hà Nội thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, tỷ lệ hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đều rất cao, đạt 95,9% trở lên.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của nhân dân, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định công nhận 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt 1 năm 2023. Đến nay, Hà Nội đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đồng thuận cao với kết quả đạt được

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, theo quy định, việc đánh giá tiêu chí về xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên cả nước nói chung cũng như thành phố Hà Nội nói riêng đều có nội dung về lấy ý kiến hài lòng của người dân. Mục đích của công tác này là nhằm khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; thể hiện sự đồng thuận của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tuyên truyền, vận động và triển khai các văn bản của Trung ương, thành phố về xây dựng nông thôn mới đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Việc tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới không chỉ để “hoàn thiện thủ tục” theo quy định, mà còn nhằm mục tiêu lớn nhất là bảo đảm công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương được thực chất, khách quan, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Thực tế, khi thành phố triển khai thẩm định xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại cơ sở, kết quả lấy ý kiến do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt cao, chưa có xã nào không đạt yêu cầu.

Từ thực tiễn địa phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phúc Thọ Lê Thị Toan cho biết, năm 2023, huyện Phúc Thọ đã triển khai kế hoạch lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với xã Võng Xuyên và xã Hát Môn. Công việc lấy phiếu được triển khai tới các ban công tác mặt trận thôn; tiến hành việc lấy phiếu theo đúng quy định và đều đạt kết quả cao giúp 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. Có được điều đó chính là bởi những thành quả Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân.

Mức độ hài lòng của người dân phản ánh sinh động kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bởi, để người dân hài lòng cao, xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, hiệu quả.