Y tế

Mở thêm cơ hội nối dài sự sống

Thu Trang 01/03/2024 - 06:28

Với sự phát triển của kỹ thuật ghép tạng tại nước ta, nhiều bệnh nhân đã may mắn “hồi sinh” sau khi nhận được nguồn tạng hiến. Thế nhưng, điều khiến các y, bác sĩ luôn day dứt đó là không đủ nguồn tạng để giúp nối dài sự sống cho nhiều người bệnh.

Nhiều hội thảo, trong đó có hội thảo “Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam” do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức vào ngày 29-2, cũng đề cập đến vấn đề này.

yte.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chuẩn bị lấy tạng hiến của bệnh nhân chết não. Ảnh: Diệu Ngân

Đề xuất mở rộng nguồn tạng từ người chết tim

Hành trình 30 năm ghép tạng của nền y học Việt Nam, kể từ ca ghép đầu tiên (năm 1992) cho thấy, về kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đi sau thế giới nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép tạng cũng tăng dần. Hiện Việt Nam có 25 cơ sở y tế thực hiện ghép tạng. Đến ngày 31-12-2023, Việt Nam thực hiện được 8.302 ca ghép tạng. Tuy nhiên, hầu hết các ca ghép vẫn từ nguồn hiến sống (chiếm tỷ lệ hơn 95%).

Trong khi đó, tỷ lệ ghép tạng từ người hiến chết não chiếm chưa đầy 5% tổng số ca ghép. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, những năm qua có 107 ca chết não hiến tạng, chiếm tới 70% số ca chết não hiến tạng trên cả nước. Với dân số khoảng 100 triệu dân, tại Việt Nam mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tương đương tỷ lệ người chết não hiến tạng là 0,1/1 triệu dân - nằm trong số các nước có tỷ lệ thấp nhất thế giới. Con số này ở Hàn Quốc là 11/1 triệu dân.

Trong chia sẻ gần đây, Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho hay: “Việt Nam có hơn 1.500 cơ sở y tế, nhưng không phải cơ sở nào cũng đủ khả năng để chẩn đoán nguy cơ chết não của người bệnh. Bên cạnh đó, trong đời sống tâm linh người Việt vẫn quan trọng chết phải toàn thây, nên có nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền với người dân về hiến tạng khi chết não”.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, ngoài nguồn hiến từ người sống, người cho chết não còn có từ người chết tim (ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn). Nước ta đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác từ năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô, tạng từ người chết não. Luật chưa đề cập hiến mô, tạng từ người chết tim.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức dẫn chứng, tại đơn vị này đã có trường hợp gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tạng nhưng do không có quy định nên không thể lấy tạng được từ người hiến chết tim.

“Sau đó, gia đình xin đưa bệnh nhân về, đồng nghĩa mất đi một nguồn hiến tạng cứu người quý giá. Do vậy, việc xây dựng quy định về hiến tạng từ người chết tim là cần thiết để mở rộng thêm cơ hội nhận tạng hiến của nhiều bệnh nhân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa nói.

yte1.jpg
Ê kíp thực hiện ca ghép phổi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi trung ương.

Phải xây dựng tiêu chuẩn, quy định cụ thể

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện trong danh sách chờ ghép tạng có hơn 5.000 bệnh nhân. Đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế. Điều đó cho thấy, trong khi nhu cầu thì lớn mà nguồn tạng để ghép vẫn rất hạn chế, cần nhiều giải pháp để gia tăng nguồn hiến tạng.

Những ca ghép mô, tạng từ những người chết não, ngừng tim đã mở ra một hướng đi đúng đắn, mang lại lợi ích và ý nghĩa cho cộng đồng. Tuy nhiên, do những đặc thù văn hóa và truyền thống, nguồn tạng từ những người chết não ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác trên thế giới. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, qua đó có thêm nhiều người hiến tạng.

Từ thực tiễn triển khai công việc điều phối ghép tạng trong những năm qua, Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, muốn ghép tạng trước tiên phải có người hiến. Nguồn tạng hiến hiện chỉ có thể từ người hiến sống, người chết não, hay tim ngừng đập hoặc hiến tạng sau khi chết tuần hoàn. Ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô tạng còn chức năng để ghép. Trên thế giới, nguồn hiến từ người chết não hay chết tim đã tăng cao.

Đề cập đến việc xây dựng quy định đánh giá người chết tim, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Dương Đức Hùng cho rằng, vấn đề chết tim hoàn toàn khác với chết não. Để định nghĩa rõ ràng, có tiêu chuẩn cụ thể cho trường hợp chết tim là rất khó. Đơn cử như việc chẩn đoán chết tim là khi nào quả tim hỏng, trong khi các tạng khác vẫn còn chức năng. Do đó, thay vì đi theo hướng xây dựng định nghĩa, hay tự xây dựng bộ tiêu chí về chết tim của riêng Việt Nam thì nên cân nhắc, nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng những tiêu chuẩn đã được thế giới công nhận.

Khẳng định hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam sẽ mở ra những tín hiệu tích cực, thêm cơ hội trong điều trị, nối dài sự sống cho người bệnh chờ được ghép, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ đề xuất, cần có các quy định về nguồn hiến từ người chết tim trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) sẽ được Quốc hội đưa ra bàn luận tới đây. “Nếu như không đưa được vào lần sửa đổi này, chúng ta sẽ lại mất thêm hàng chục năm nữa để có thể tận dụng các nguồn hiến tạng, cứu sống bệnh nhân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.

Với việc làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, nước ta rất cần có thêm nhiều nguồn tạng hiến, các cơ sở y tế phát triển kỹ thuật cấy ghép mô tạng đạt tiêu chuẩn quốc tế để người bệnh chờ ghép tạng thêm cơ hội sống. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phù hợp với tình hình thực tế, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân.

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thông tin, nguồn hiến mô, tạng từ bệnh nhân chết tim đang chiếm từ 20-60% ở các nước phát triển, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia có số lượng lớn nhất. Theo một khảo sát năm 2020, tỷ lệ người hiến chết tim/1 triệu dân ở quốc gia này đạt 13,1. Tại Trung Quốc, tỷ lệ hiến mô, tạng ở người chết tim nhiều hơn chết não. Cụ thể, năm 2015, Trung Quốc thực hiện 6.719 ca ghép thận, trong đó 64% là thận hiến từ người sống; 19% thận hiến từ người chết tim sau chết não và 17% từ người hiến chết não.