Xử lý phần đất sau thu hồi thuộc phạm vi đã có quy hoạch:Cần bảo đảm quyền lợi người dân
Hiện nay, vì nhiều lý do, không ít dự án triển khai thành nhiều giai đoạn khác nhau nên nảy sinh việc một thửa đất có thể thu hồi nhiều lần, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân do phần đất còn lại nằm trong quy hoạch các giai đoạn tiếp theo của cùng dự án đó. Đây là thực tế đang diễn ra tại một số dự án giao thông trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Thực tế này đòi hỏi các nhà làm chính sách cần xem xét, có giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất.
Nguyện vọng của người bị thu hồi đất
Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 428 (giai đoạn 1) dài 5km, đi qua các xã, thị trấn: Vân Đình, Phương Tú, Trung Tú. Hiện việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhất là đoạn qua thôn Hậu Xá, khiến đoạn đường bị thắt "cổ chai" suốt nhiều năm qua.
Là một trong những hộ chưa đồng ý với phương án dự kiến nhận tiền đền bù, bà Bùi Thị Phú (thôn Hậu Xá, xã Phương Tú) cho biết, mảnh đất của gia đình bà có diện tích 163m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi bị thu hồi làm đường 428, diện tích còn lại là 65m2. Tuy nhiên, theo mốc giới đã được xác định thì trong số 65m2 này, khoảng 55m2 nằm trong hành lang an toàn giao thông.
“Trên thửa đất hiện có 3 thế hệ, 2 hộ gia đình với 10 nhân khẩu sinh sống. Theo thông báo dự kiến về tiền đền bù của UBND huyện Ứng Hòa, gia đình tôi không được nhận đất tái định cư. Vậy, 10 nhân khẩu sẽ sinh sống thế nào, an cư ra sao khi nhà ở hiện tại đã xuống cấp nhưng không được xây dựng nhà ở kiên cố do nằm trong quy hoạch hành lang đường?", bà Phú đặt câu hỏi.
Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng đường trục phát triển kinh tế phía Nam huyện Ứng Hòa (đường Cần Thơ - Xuân Quang) dài 7km, đi qua địa bàn các xã: Đại Hùng, Đội Bình, Hòa Lâm, Tảo Dương Văn và thị trấn Vân Đình cũng trong tình trạng giải phóng mặt bằng “xôi đỗ”. Thực hiện giai đoạn 1 của dự án, riêng trên địa bàn xã Hòa Lâm liên quan đến 178 thửa đất và hiện mới kiểm đếm được khoảng 1/2 số thửa. Qua kiểm đếm, phần lớn các hộ đều không đủ điều kiện để tái định cư, nhưng đối chiếu với quy hoạch mở đường giai đoạn 2 thì phần diện tích còn lại của rất nhiều hộ sẽ bị thu hồi hết.
“Các hộ dân đều có nguyện vọng được thu hồi toàn bộ diện tích làm đường cả hai giai đoạn trong cùng một lần để xây dựng lại nhà ở, ổn định cuộc sống, vì diện tích còn lại nằm trong quy hoạch mở đường giai đoạn 2 sẽ bị hạn chế xây dựng công trình, trong khi lộ trình thực hiện dự án giai đoạn 2 chưa rõ”, Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm Lê Hùng Mạnh cho biết.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Do phần diện tích còn lại sau khi thu hồi giai đoạn 1 nằm trong phạm vi đã quy hoạch, đã cắm mốc giới nên người dân sẽ bị hạn chế trong xây dựng công trình. Vì thế, các hộ bị thu hồi đất phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 428 và đường Cần Thơ - Xuân Quang có nguyện vọng thu hồi một lần cho cả hai giai đoạn để được tái định cư, sớm ổn định cuộc sống là mong mỏi chính đáng, song việc thực hiện còn vướng mắc.
Trước khó khăn nêu trên, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa Nguyễn Đức Thụ thông tin, UBND huyện đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đề nghị được hướng dẫn trong trường hợp theo phạm vi thu hồi đất (giai đoạn 1 của dự án) diện tích còn lại của thửa đất đủ điều kiện hình thành thửa đất mới, nhưng phần còn lại nằm trong phạm vi quy hoạch hành lang an toàn giao thông và trong quy hoạch chỉ giới đường đỏ của dự án, người dân đề nghị thu hồi phần diện tích còn lại vì bị hạn chế xây dựng công trình thì cần thực hiện ra sao?
Về vấn đề này, cuối năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời, đề nghị UBND huyện Ứng Hòa rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét, chấp thuận chủ trương cho thu hồi một lần đối với những thửa đất có phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi quy hoạch hành lang giao thông hoặc chỉ giới đường đỏ của dự án... Như vậy, giải pháp cụ thể cho những trường hợp này là tiếp tục... chờ.
Theo quy định tại Điều 43, Luật Giao thông đường bộ, người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì tiếp tục được sử dụng đất theo đúng mục đích... Trong trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ, chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định.
Người dân cho rằng, đây là một trong những căn cứ, giải pháp hợp lý để cơ quan chức năng có thể vận dụng, thu hồi đất một lần đối với những dự án triển khai thành nhiều giai đoạn khác nhau. Mong rằng, những tồn tại tương tự sẽ được nhận diện ngay từ khi lập dự án để khó khăn được tháo gỡ từ đầu nhằm tránh phát sinh tình trạng đơn thư phức tạp và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.