Thế giới

Thụy Điển gia nhập NATO:"Gói bảo hiểm" nhiều rủi ro

Hoàng Linh 29/02/2024 - 07:01

Với sự chấp thuận của Hungary, Thụy Điển rộng đường trở thành thành viên mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, "gói bảo hiểm" về an ninh này của quốc gia Bắc Âu được cho là sẽ dẫn tới nhiều thay đổi, tiềm ẩn không ít rủi ro đối với cục diện địa chính trị trong khu vực và toàn cầu.

thuy-dien.jpg
Binh sĩ Thụy Điển tham gia một cuộc tập trận chung.

Sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ đầu năm 2022, Thụy Điển cùng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc nhiều thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Tuy nhiên, trong khi Phần Lan đã gia nhập NATO thành công vào tháng 4-2023, với sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, thì Thụy Điển lúc đó gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. “Cửa ải” cuối cùng đối với con đường gập ghềnh của Thụy Điển chỉ thông suốt sau khi các nghị sĩ Quốc hội Hungary ngày 27-2 bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này, với tỷ lệ 188 phiếu thuận và 6 phiếu phản đối.

Văn kiện dự kiến sẽ được Tổng thống Hungary ký thông qua trong vài ngày tới, hoàn tất quá trình phê duyệt của nước này đối với nguyện vọng của Thụy Điển. Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gặp người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest (Hungary). Tại đây, hai bên tuyên bố đã làm rõ "những thiện chí chung", đặc biệt là trong hợp tác quân sự. Hungary cũng đã ký thỏa thuận mua 4 chiến đấu cơ JAS 39 Gripen của Thụy Điển.

Sau khi Hungary hoàn tất quy trình thông qua đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, văn kiện được chuyển cho Mỹ để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Thụy Điển sau đó sẽ được mời tham gia Hiệp ước Washington để chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO.

Với Thụy Điển, việc chính thức trở thành thành viên NATO là bước tiến về mặt hình thức, bởi về mặt kỹ thuật, nước này từ lâu đã hội nhập sâu vào liên minh qua các hoạt động và thỏa thuận hợp tác quân sự. Nói cách khác, Thụy Điển chính thức gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra có thể xem như là việc “mua bảo hiểm” về an ninh quốc phòng. Trước đây, không quốc gia nào có quan hệ với Thụy Điển cam kết cùng chiến đấu nếu nước này bị xâm lược hay tấn công quân sự. Giờ đây, theo Điều 5 trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của NATO sẽ bị coi là tấn công tất cả, và mọi thành viên sẽ phản ứng lại. Dĩ nhiên, “quyền lợi” này song hành với các nghĩa vụ tài chính và một số quy định mà Stockholm phải tuân thủ.

Ở góc độ địa chính trị, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO có thể tạo ra căng thẳng mới, khi động thái này được các nhà quan sát cho là “mối đe dọa đáng kể với an ninh của Nga” khi cho phép phương Tây triển khai lực lượng tới biên giới giữa Nga với Thụy Điển. Thụy Điển cũng là quốc gia cuối cùng ở quanh biển Baltic gia nhập NATO, đồng nghĩa “Biển Baltic về cơ bản trở thành một cái hồ của NATO”. Từ Biển Baltic có thể tiếp cận được thành phố St. Petersburg và lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.

Bản thân Nga cũng có động thái phản ứng trước những bước tiến của NATO. Khi Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức tuyên bố thành lập quân khu mới để củng cố các vị trí của nước này gần Phần Lan. Tháng 12-2023, ông chủ Điện Kremlin cho rằng, trước kia Phần Lan chưa gặp bất kỳ rắc rối thực sự nào với Mátxcơva trong nhiều thập niên, “nhưng bây giờ sẽ có”.

Sau khi gia nhập NATO, Thụy Điển cũng sẽ mở rộng các đóng góp cho khối này dựa trên cơ sở hợp tác sẵn có, đặc biệt là về dữ liệu tình báo trong khu vực cũng như bắc cầu cho các nỗ lực hội nhập quốc phòng thuộc khuôn khổ Hợp tác quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO), gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển.

Quan trọng hơn, Thụy Điển, với vị trí địa lý đặc thù, sẽ trở thành “tổng kho” cung cấp vật tư và lực lượng tiếp viện cho tất cả nước láng giềng Bắc Âu thuộc NATO, đặc biệt là Phần Lan. Tuy nhiên, điều được nhiều chuyên gia kỳ vọng hơn cả chính là bề dày hiểu biết và kinh nghiệm ứng xử của Thụy Điển trong khu vực nói chung cũng như với Nga nói riêng, có thể đóng góp tích cực hơn vào việc xoa dịu những căng thẳng trong khu vực.

Như vậy, việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ thay đổi cục diện an ninh của châu Âu, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa khối này với Nga. Thực trạng này đòi hỏi các thành viên mới cần ứng xử khéo léo để cân bằng lợi ích giữa các bên, qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.