Hành động để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Ngày 28-2, tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường diễn ra Diễn đàn Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên.
Sự kiện do Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm được chôn lấp, 20% thải ra môi trường và đại dương...
Hằng năm, ở Việt Nam có số lượng lớn rác nhựa thải ra đại dương. Cụ thể, có đến 80% rác thải nhựa xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển.
Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch và gia tăng dân số đã khiến lượng rác thải hằng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái cỏ biển và san hô trong các khu bảo tồn.
Nếu không sớm có sự can thiệp, ngăn chặn việc thải nhựa ra môi trường biển sẽ phá hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên, đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật biển và cuộc sống của con người.
Do đó, giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều cho rằng, để hạn chế và giảm thiểu rác thải nhựa, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Đoàn thanh niên các cấp cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần nhằm hạn chế xả ra môi trường, góp phần bảo vệ đại dương...