Ứng Hòa: Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi
Xây dựng từ lâu, nhưng không được sửa chữa thường xuyên, nên nhiều tuyến kênh mương, giao thông nội đồng của huyện Ứng Hòa đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phòng chống thiên tai, Ứng Hòa đang rất cần nguồn lực đầu tư nhằm nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi.
Nhiều công trình xuống cấp
Kênh Si Du Đồng là một trong những công trình thủy lợi nội đồng quan trọng của huyện Ứng Hòa khi làm nhiệm vụ dẫn nước và tiêu úng cho 750ha sản xuất nông nghiệp của các xã: Minh Đức, Kim Đường, Trầm Lộng, Đại Hùng... Tuy nhiên, quan sát thực tế tuyến kênh này trong ngày 24-2, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, lòng kênh bị lấp kín bởi bùn đất và cỏ dại, bờ kênh bị lún sụt, đổ vỡ, thiếu cao trình...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Văn Hải, nông dân xã Đại Hùng cho hay, tuyến kênh Si Du Đồng đã bị hư hỏng từ lâu. “Nông dân địa phương rất mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp công trình để giảm nỗi lo ngập úng lúa, hoa màu...”, ông Hải đề nghị.
Không riêng kênh Si Du Đồng, nhiều tuyến kênh khác thuộc địa bàn các xã: Quảng Phú Cầu, Trường Thịnh, Đồng Tiến, Sơn Công, Viên An... có tiết diện nhỏ, đáy kênh bị bồi lắng, cỏ mọc um tùm, gây tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều đoạn bờ kênh bị sạt lở, thiếu cao trình, dễ bị tràn bờ khi vận hành các trạm bơm tưới, tiêu... Đáng nói, nhiều hạng mục thuộc các trạm bơm: Vân Đình, Mạnh Tân 2 và 3, Thọ Vực 2, Thần Lớn, Quảng Nguyên... cũng đang xuống cấp, không phát huy tối đa công suất thiết kế.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, trên địa bàn huyện có 2.152 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 876km và 192 trạm bơm, 5.668 cống làm nhiệm vụ lấy nước, tiêu úng thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Trước đây, những công trình này thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý. Thực hiện quy định mới của thành phố, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ bàn giao những công trình này cho huyện quản lý. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, kết cấu bằng đất, không được sửa chữa thường xuyên và ảnh hưởng từ các trận mưa lớn... nên phần lớn tuyến kênh mương trên địa bàn huyện bị xuống cấp...
Cần nguồn lực đầu tư lớn
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp cho biết, sau khi tiếp nhận công trình từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, huyện đã rà soát, lựa chọn các công trình trọng điểm để ưu tiên đầu tư sửa chữa, kiên cố các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.
Thực tế, từ năm 2022 đến nay, huyện Ứng Hòa đã huy động 21 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, nạo vét lòng dẫn và cứng hóa 81km kênh mương. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành đưa vào khai thác trong vụ xuân 2024. Nhờ hệ thống kênh mương được tu bổ nên tiến độ lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ xuân năm nay của huyện Ứng Hòa nhanh hơn những năm trước. Dù vậy, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều tuyến kênh, hạng mục công trình lấy nước, tiêu nước bị hư hỏng, xuống cấp cần phải đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định, để sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phòng chống thiên tai, huyện Ứng Hòa cần hàng nghìn tỷ đồng. Là huyện nông nghiệp, có nguồn thu thấp, Ứng Hòa rất cần thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai...
“Để nâng cao hiệu quả phục vụ của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai trên địa bàn, ngày 18-1 vừa qua, UBND huyện Ứng Hòa đề xuất các sở, ngành báo cáo UBND thành phố Hà Nội giao huyện lập báo cáo chủ trương đầu tư và thực hiện 6 dự án cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.130 tỷ đồng...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định thông tin.
Cụ thể, UBND huyện Ứng Hòa đề xuất thành phố Hà Nội đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa Trạm bơm Vân Đình và kiên cố bờ phải kênh Vân Đình kết hợp giao thông để bảo đảm tiêu úng cho 13.466ha đất nông nghiệp thuộc các xã: Quảng Phú Cầu, Liên Bạt, Trường Thịnh, thị trấn Vân Đình và một phần diện tích thuộc các huyện: Thanh Oai, Phú Xuyên. Bên cạnh đó, kiến nghị thành phố đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Mạnh Tân 3 và kiên cố hóa tuyến kênh kết hợp làm giao thông; cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Thọ Vực 2 và kiên cố hóa tuyến kênh Tây Ninh; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nạo vét tuyến kênh tưới, tiêu trên địa bàn các xã: Kim Đường, Đại Cường, Đông Lỗ, Đồng Tân, Đồng Tiến, Viên An…
Trước mắt, để cấp đủ nước tưới dưỡng lúa vụ xuân, phòng chống thiên tai, huyện Ứng Hòa đề nghị Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ theo dõi chặt chẽ nguồn nước, kịp thời vận hành công trình nhằm trữ nước trong hệ thống; tu sửa công trình tưới, tiêu thuộc trách nhiệm quản lý... Các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý vi phạm hệ thống thủy lợi; khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương; tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ công trình thủy lợi, ứng dụng công nghệ tưới tiêu hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước…
Đầu tư đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi là giải pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả nguồn nước, tiết kiệm điện năng, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân... Từ thực tế trên, các sở, ngành liên quan cần sớm tham mưu UBND thành phố xem xét, giải quyết đề xuất của huyện Ứng Hòa…