Đô thị

Cơ hội chuyển mình của không gian nội đô

Bảo Hân 26/02/2024 - 06:13

Việc di dời 9 nhà máy ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội sẽ mở ra quỹ đất lớn, là cơ hội để thành phố chuyển mình, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Do đó, một chiến lược chuyển đổi công năng, trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị cũ để nhân lên những giá trị mới, tạo dựng bản sắc đô thị là đòi hỏi bức thiết.

gia-lam.jpg
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa di sản hấp dẫn được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một gợi ý cho hướng tái thiết bền vững các di sản công nghiệp.

Cần chiến lược chuyển đổi phù hợp

Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội ban hành vào tháng 8-2023, kế hoạch di dời 9 cơ sở nhà, đất khỏi khu vực nội đô thực hiện trong vòng 5 năm kể từ khi UBND thành phố phê duyệt danh mục. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định, chủ trương di dời là rất cấp thiết, không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm mà còn tạo dư địa để phát triển kinh tế - xã hội. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện đề xuất việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, quy hoạch đô thị, chuyển đổi chức năng các công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất cần thiết, cần thực hiện trên nguyên tắc phù hợp với quá trình phát triển, đáp ứng các hạ tầng quan trọng để ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân.

Còn kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) đánh giá, trong số 9 nhà máy, xí nghiệp thực hiện di dời; nhiều nhà máy, xí nghiệp có quy mô diện tích lớn từ một vài đến hàng chục héc ta. Việc những đơn vị này duy trì sản xuất trong nội đô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, cản trở sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, đây cũng là các công trình gắn liền với một giai đoạn lịch sử tái thiết, xây dựng nền sản xuất xã hội chủ nghĩa hào hùng, đặt nền móng cho sự phát triển của Thủ đô và quốc gia, có giá trị rất lớn trong việc lưu giữ và tạo dựng bản sắc đô thị. Do đó, một chiến lược chuyển đổi công năng, bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp là rất cần thiết.

Bảo đảm tầm nhìn dài hạn

Kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương nêu, cần nghiên cứu đánh giá, xây dựng phương án di dời và tái phát triển chi tiết đối với từng cơ sở, xí nghiệp, nhà máy cụ thể. Thành phố cần làm rõ chất lượng kiến trúc và kết cấu các hạng mục công trình xây dựng cũ để có thể bảo tồn, tái sử dụng hoặc bắt buộc phá dỡ, cũng như đánh giá cụ thể về môi trường để có phương án khử độc đối với những khu vực trước đây có hóa chất sản xuất công nghiệp độc hại.

Công năng cho các khu đất này sau khi chuyển đổi nên là các không gian công cộng hữu ích để bổ sung, gia tăng thêm không gian công cộng, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa di sản hấp dẫn được tổ chức thành công tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một gợi ý cho hướng tái thiết bền vững các di sản công nghiệp.

“Cần kiên quyết hạn chế tái xây dựng các công trình nhà ở, dịch vụ cao tầng gây áp lực lên hạ tầng nội đô như một số trường hợp đã xảy ra trước đây”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương kiến nghị.

Việc xem xét bảo tồn một số hạng mục công trình để lưu giữ các giá trị kiến trúc, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, như trường hợp khu nhà trưng bày trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã thực hiện rất thành công cũng là xu hướng nên được tính đến.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nội thành Hà Nội có hơn 160 cơ sở công nghiệp nhưng trong quá trình phát triển đô thị những năm vừa qua, gần 90 địa điểm đã bị phá hủy hoặc thay đổi chức năng. Gần đây, Hà Nội đã có phương án khai thác lại một số công trình nhằm phục vụ cho công nghiệp văn hóa và được dư luận hết sức hoan nghênh. Các cơ quan quản lý cần có tầm nhìn dài hạn, một mặt đưa ra phương án bảo tồn kết hợp khai thác một số công trình, cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo văn hóa; mặt khác, quy hoạch và phát triển các công trình nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng sống của người dân sở tại như không gian xanh, vườn hoa, sân chơi, công viên... Và mật độ các công trình xanh cũng phải được quy hoạch hợp lý, phát huy hiệu quả.

9 cơ sở nhà, đất phải di dời khỏi khu vực nội đô theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội gồm: Công ty In báo Nhân dân tại 15 phố Hàng Tre); Công ty TNHH một thành viên In báo Hànộimới tại 35 phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm); Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình); Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long tại 235 đường Nguyễn Trãi); Công ty TNHH một thành viên In và thương mại Thông tấn xã Việt Nam tại 70/342 phố Khương Đình (quận Thanh Xuân); Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại số 551 đường Nguyễn Văn Cừ); Tổng kho xăng dầu Đức Giang tại 26 phố Đức Giang (quận Long Biên); Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp tại 167/6 phố Phương Mai (quận Đống Đa); Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).