Văn hóa nêu gương
Gần đây, một số cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, nhận hối lộ… Thế nên, việc xây dựng văn hóa nêu gương trong cán bộ, đảng viên là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Trong lịch sử dân tộc, nêu gương là chuẩn mực đạo đức, văn hóa, lẽ sống trong hành động, việc làm và được lưu truyền từ đời này sang đời khác; nổi bật là ở đội ngũ trí thức, gồm: Quan lại, thầy đồ, người cao tuổi, nho sĩ… Tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dám dâng sớ đề nghị vua chém những kẻ nịnh thần trong triều với mong muốn yên dân, xã tắc được vững bền. Khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, nhiều người đã nêu gương, đi đầu trong phong trào yêu nước, dâng hiến trí tuệ, tài đức cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh.
Kế thừa truyền thống đó, Đảng ta luôn xác định nêu gương là một phương thức lãnh đạo. Thực tế cho thấy, đã có thời điểm, nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu. Lịch sử gần một thế kỷ của Đảng, ngoài tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều đảng viên kiên trung, như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh... làm lan tỏa, lay động tâm can các tầng lớp trong xã hội, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết, giúp Đảng ta đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần gương mẫu tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên thổi hồn và nhân lên trong thực hiện nhiệm vụ, phong trào cách mạng, để nhân dân học tập, làm theo. Thực tế chứng minh, nơi nào, ở đâu và việc gì có cán bộ, nhất là người đứng đầu công tâm, gương mẫu, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đi trước, đi đầu trong phong trào, thì dân tin, làm theo và đạt hiệu quả tốt.
Để tinh thần nêu gương ngày càng phát huy hiệu quả, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định. Đáng chú ý, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định ra đời đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đây, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên được thực hiện chặt chẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, có những lúc chúng ta cũng cảm thấy phiền muộn và không khỏi xót đau trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, thiếu đạo đức, sa vào vi phạm kỷ luật, pháp luật. Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”. Thời gian qua, nhiều vụ án và không ít người từng là cán bộ, giữ cương vị lãnh đạo đã bị xử lý cũng vì không gương mẫu, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
Bên cạnh đó, nếu nhìn sâu trong hệ thống chính trị, chúng ta thấy tồn tại hiện tượng nêu gương nửa vời. Vẫn còn cán bộ, đảng viên bề ngoài rất chỉn chu, cần mẫn, có phương pháp, tác phong của công bộc, luôn thuyết giảng lấy phục vụ nhân dân làm trọng, lấy kết quả công việc làm trọng, nhưng ở góc khuất nào đó thì họ lại làm trái pháp luật, vun vén cho người thân, người quen và “đệ tử” để rồi được mang ơn và “lại quả”.
Thực tế, dù ở bất cứ thể chế chính trị nào thì nêu gương chính là văn hóa, là sản phẩm mang giá trị cao, có sức thuyết phục, lôi cuốn con người mạnh mẽ. Thế nên, việc Đảng ta coi nêu gương là một phương thức lãnh đạo hoàn toàn đúng đắn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Những gương người tốt, làm việc tốt muôn hình, muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn". Người cũng nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Để văn hóa nêu gương thấm sâu vào thực tiễn thì tổ chức Đảng các cấp cần đi đầu. Cấp ủy và người chủ trì cần tập trung vào các giải pháp chủ đạo, trước hết cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy hiệu quả tự phê bình và phê bình. Chi bộ quản lý chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên để làm tốt hơn nữa việc nhận xét, đánh giá hằng năm. Thực hiện tốt hơn nữa quy định giám sát cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân. Khuyến khích và tôn trọng sự giám sát của nhân dân, sự giám sát của dư luận, sự giám sát của tổ chức Đảng. Một biện pháp quan trọng khác là phải thực hành nêu gương trong xử lý kỷ luật. Theo đó, nếu đảng viên vi phạm, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách trong Đảng vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm khắc hơn bình thường.
Thế nên, muốn có “gương sáng” để khơi dậy cái tâm trong mỗi cán bộ, đảng viên hướng vào thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cách mạng thì rõ ràng ngoài hoàn thiện cơ chế, Đảng phải xử lý triệt để, thậm chí loại bỏ những “gương xấu”, “gương tối”, “gương mờ”. Có như vậy, văn hóa nêu gương mới thực sự có giá trị và ý nghĩa.