Để văn học mạng “đơm hoa, kết trái": Cần một sự đánh giá khách quan
Nhờ internet và mạng xã hội, văn học trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Ngày càng có nhiều cây viết mới “ra ràng” từ môi trường này; không ít độc giả từ vị trí người đọc đã dần chuyển sang vai trò người viết...
Tuy nhiên, sự “cởi mở” của văn học mạng cũng dẫn tới thực trạng đáng lo ngại về chất lượng "vàng thau lẫn lộn", “rác văn học”, vấn nạn vi phạm bản quyền...
Những hiện tượng văn học mạng
Văn học trực tuyến được coi là một hiện tượng của văn học toàn cầu đầu thế kỷ XXI. Khi văn học mạng có xu hướng phát triển trên quy mô quốc tế, đặc biệt là ở các nước châu Á, dễ dàng bắt gặp những “hiện tượng” về lượng truy cập đọc tác phẩm, số lượng bản in khi tác phẩm văn học mạng được xuất bản thành sách, được bán bản quyền và phát sóng tại nhiều nước khi chuyển thể thành phim.
“Mây họa ánh trăng”, tác phẩm văn học mạng của tác giả Yoon Isu (Hàn Quốc) từng thu hút hơn 50 triệu lượt truy cập khi đăng tải, sau khi chuyển thể thành phim đã được phát sóng tại nhiều nước châu Á, được đánh giá là một trong những phim bom tấn năm 2016 của truyền hình Hàn Quốc và phát trên kênh KBS tại hơn 100 nước với phụ đề tiếng Anh.
Không chỉ phát hành ở thể loại tiểu thuyết, “Mây họa ánh trăng” còn được in ở dạng sách ảnh, trong đó tóm tắt nội dung truyện và tập hợp các bức ảnh đẹp nhất của bộ phim nhằm phục vụ đông đảo người hâm mộ tác phẩm này.
Tại Việt Nam cũng xuất hiện những hiện tượng văn học mạng. Với thơ, không thể không nhắc đến Nguyễn Phong Việt qua những tập thơ từng được bán hàng vạn bản, một điều rất hiếm thấy đối với thơ Việt Nam. Nguyễn Phong Việt có giải thưởng về thơ, nhưng anh được độc giả biết đến nhiều hơn sau những bài thơ đăng trên facebook cá nhân rồi tập hợp để xuất bản. Không vội bàn về chất lượng nghệ thuật mà chỉ nhìn ở số lượng bản in của mỗi tập thơ đều thuộc hàng best-seller, dễ thấy Nguyễn Phong Việt đã để lại những dấu ấn nhất định.
Gần đây, Thảo Trang là cái tên gây ấn tượng với độc giả Việt, đặc biệt là với những người đam mê truyện trinh thám. “Tết ở làng địa ngục”, tác phẩm đầu tay của Thảo Trang không chỉ từ tiểu thuyết mạng thành công trở thành tác phẩm in chính thống với số lượng phát hành đến nay vào khoảng 14 ngàn bản, mà còn được chuyển thể thành series 12 tập phim “Tết ở làng địa ngục” và phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn”.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, “Tết ở làng địa ngục” lại một lần nữa lọt top các phim được xem nhiều nhất trên nền tảng Netflix tại Việt Nam. Trong khi đó, “Kẻ ăn hồn” đạt được thỏa thuận phân phối bản quyền đến các thị trường tại khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Đài Loan; cuối tháng 1 vừa qua, phim đạt vị trí số 1 về doanh thu phim nước ngoài trong tuần ra mắt tại Myanmar.
Dòng chảy văn học trực tuyến Việt Nam, với những tác giả đi tiên phong như Trần Thu Trang, Trang Hạ, Hà Kin, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Quỳnh Thy..., và nay là các cây viết “ăn khách” như Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Song Hà, Hamlet Trương, Iris Cao, Hồng Sakura, Nguyễn Dương Quỳnh, Thảo Trang, Hoàng Yến, Trường An..., cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan trong mối quan hệ với nền văn học Việt Nam.
Môi trường khuyến khích tự tin sáng tác
Không qua khâu biên tập, không có bộ máy thẩm định, đánh giá, thậm chí không chịu ràng buộc về trách nhiệm với những gì mình viết, rất nhiều “sản phẩm chữ” được đăng tải trên mạng, đặc biệt là các trang đọc miễn phí, là những sản phẩm vô giá trị. Không ít truyện trên mạng là “rác ngôn ngữ” với cốt truyện phản cảm, bạo lực, khiêu dâm.
Vì vậy, tham gia không gian mạng nói chung, các trang văn học mạng nói riêng, mỗi độc giả phải thông minh để lựa chọn những sản phẩm an toàn, phù hợp. Với bạn đọc trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần có biện pháp hướng dẫn và kiểm soát sự đọc của con mà không làm mất đi hứng thú với việc đọc hay sáng tác.
Song, nếu tạm để qua một bên tình trạng “vàng thau lẫn lộn” và nhìn từ góc độ tích cực, có thể thấy văn học mạng đã mang đến màu sắc mới cho văn học nước nhà, như lối viết mới, chủ đề mới (khoa học viễn tưởng, dị giới, xuyên không...). Không gian mạng mở ra những cộng đồng đọc đầy tiềm năng, và từ đó kéo theo sự ra đời của nhiều tác giả - tác phẩm mới.
Nếu như trước kia, ở thể loại trinh thám, kinh dị chỉ có thể “điểm danh” vài cái tên như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy... thì ngày nay, số được biết tới rất nhiều, như Kim Tam Long, Đức Anh, Giản Tư Hải, Vũ Khúc, Thảo Trang, Thục Linh... Nhiều cộng đồng viết, hội nhóm sáng tác được xây dựng trên mạng xã hội và tạo được những uy tín nhất định, như Quán chiêu văn, Cộng đồng văn xuôi, Viết sáng tạo... với những cuộc thi viết, tuyển chọn thơ, văn được xuất bản.
Không gian mạng đã trở thành công cụ để đăng tải sáng tác, tạo lập một môi trường viết cho bất cứ ai. Không ít tác giả vốn không được đào tạo về viết, không làm những nghề về sáng tạo nội dung, họ tham gia các trang mạng văn học với tư cách người đọc, rồi vì yêu thích mà từ người đọc dần chuyển thành người viết. Hoặc họ thử sức viết văn, coi đó như là một “thú chơi kể chuyện” nhằm giải tỏa căng thẳng.
Tác giả Thảo Trang tâm sự: “Tôi đi lên từ văn học mạng, viết chỉ đơn giản là để vui. Nhờ sự ủng hộ rất nhiều của độc giả cho tác phẩm đầu tay của tôi mà tôi tự tin tiếp tục sáng tác”. Với Hoàng Yến, tác giả của tiểu thuyết dã sử “Săn mộ”, “Thượng Dương”, người vốn học Đại học Y dược Hải Phòng, thì viết lách là thú vui cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Được tự do lựa chọn đề tài, cách viết, không chịu áp lực về thời gian hoàn thành, hạn nộp, số chữ, thậm chí không cần công khai danh tính tác giả..., đó là yếu tố khuyến khích nhiều người thử sức sáng tác trên mạng. Sự trao đổi và tương tác của độc giả, trong đó có không ít người có kinh nghiệm viết, góp phần giúp người viết học hỏi, rút kinh nghiệm trong cách kết cấu truyện, lối viết và nắm bắt được thị hiếu độc giả. Một số nền tảng văn học mạng hiện nay đã “bật” cơ chế trả nhuận bút, với khoảng 50 nghìn đồng/1.000 chữ và có thêm khoản "thưởng chuyên cần", "thưởng tiến độ" cho những người đều đặn có tác phẩm được đăng, tuy “chẳng thấm vào đâu” nhưng vẫn là một sự khuyến khích, cổ vũ người viết khai thác các đề tài mới lạ, lối viết hấp dẫn để thu hút được độc giả.
Theo nhà văn Nhật Phi: “Các nền tảng này cũng không hoàn toàn chỉ là chỗ chơi vui để các bạn trẻ tập tành. Nhà văn Hồ Thúy An, người từng xuất bản tập truyện ngắn “Đuôi trắng” trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ V cũng đã chọn các nền tảng này như một nguồn thu nhập bổ sung và có lẽ cũng là luyện tay, giữ lửa sáng tác”.
Góc nhìn khách quan cho văn học mạng
Nếu nhìn nhận không gian mạng là nơi quảng bá hiệu quả tác phẩm văn học và văn học mạng là cái nôi cho nhiều cây viết trẻ được sinh trưởng, trong đó đã có những tác giả, tác phẩm khẳng định được vị trí của mình trên thị trường xuất bản, thì cần có cái nhìn khách quan hơn, bớt thiên kiến hơn về văn học mạng.
Hiện có nhiều người viết ngày đêm "cày cuốc" trên cánh đồng văn học trực tuyến, nhưng số tác phẩm đủ sức nặng để được chọn in chưa nhiều, số tác giả thành danh và trở thành nhà văn đúng nghĩa còn hiếm hoi. Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của văn học trực tuyến Trung Quốc - nay đã như một ngành công nghiệp, kéo theo sự phát triển của xuất bản, âm nhạc, phim ảnh, du lịch... thì chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về sự trưởng thành của văn học mạng Việt Nam.
Trong một xã hội hiện đại với nhịp sống gấp gáp, những tác phẩm văn học mạng đáp ứng thị hiếu của số đông, góp phần thực hiện chức năng giải trí, chức năng thẩm mỹ của văn học. Xưa nay, nền văn học nghệ thuật nào cũng tồn tại song hành tác phẩm tinh hoa và tác phẩm đại chúng. Hãy coi văn học mạng như là một bộ phận của văn học đại chúng nước nhà, để từ đó có những quy định nhằm quản lý, định hướng cho văn học mạng phát triển một cách lành mạnh, tạo một môi trường tốt cho các hạt giống sáng tác nảy mầm, đơm hoa, kết trái.
Bên cạnh đó, để góp phần loại bỏ những tác phẩm vô bổ, dễ dãi của văn học trực tuyến thì việc nâng cao năng lực cảm thụ, thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục trong nhà trường, là điều hết sức quan trọng. Khi nhận thức đã đủ “chín”, khi biết và cảm được cái hay, cái đẹp thực sự của văn chương, người ta sẽ khó có thể tiếp nhận "rác văn học".