Tư duy vượt sông Hồng
Cuộc sống luôn là chuỗi của những thuận lợi và khó khăn, trở ngại đan xen. Không dũng cảm và kiên trì bước tới, sẽ khó có được những lối đi mới. Khát vọng vươn tới luôn là cách để những người biết nhìn về phía trước thoát khỏi cái bóng của quá khứ, gặt hái thành công.
Chút lan man để thấy rằng, nếu cứ theo lối cũ, tự bằng lòng với chiếc ngai vàng mà triều thần đã dành cho, Vua trẻ Lý Công Uẩn sẽ cứ tự tại làm vua giữa lũy đá thiên tạo Hoa Lư.
Nhưng vị vua ấy đã không làm như vậy.
Chuyến thiên đô nghìn năm trước về Đại La đã minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của một đấng minh quân có chí “mưu nghiệp lớn”. Vì “muốn vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh” mà “trên kính mệnh trời, dưới theo chí dân” chọn vùng đất “rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Ðông, Tây, tiện hình thế sông núi trước sau”, “muôn vật phồn thịnh”, làm chỗ “hội tụ của bốn phương”.
Tầm nhìn ấy đã đem đến cho quốc gia Đại Việt một con đường mới, một cách đi mới để đất Thăng Long xứng đáng là vùng đất mang vượng khí Rồng bay, là “nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”.
Nghìn năm sau, theo tầm nhìn từ dòng sông Cái của Lý Công Uẩn, Hà Nội - vùng đất trong sông ấy vẫn vững vàng vị trí đầu não, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… của một nước Việt Nam độc lập, tự cường; vững vàng trong gian khó, tự tin, sáng tạo trong dựng xây, phát triển bề thế như hôm nay.
Nhưng Hà Nội không thể mãi là “vùng đất trong sông”, không thể cứ mãi là thành phố quay lưng với dòng sông Mẹ. Sông Hồng không thể mãi là cái sân sau của thành phố với một “xã hội ngoài đê”! Hà Nội cần một con đường, một tầm nhìn hướng sông để tự tin khoác cho mình tấm áo mới. Sông Hồng phải là dòng sông ánh sáng, làm bừng lên khuôn mặt mới của Thủ đô.
Dòng sông nghìn năm soi bóng kinh thành nay sẽ là “trục trung tâm phát triển mới” kết nối đô thị hai bờ Nam - Bắc, để không gian phát triển ấy không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của thành phố với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại, làm nên diện mạo mới của Thủ đô giàu mạnh, văn hiến, văn minh.
Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 5 trụ cột phát triển chính gồm: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Hà Nội đề ra 4 khâu đột phá chiến lược gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; Phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Để thực hiện được khát vọng ấy, Hà Nội xác định sẽ vượt sông Hồng bằng những cây cầu hiện đại. Ngoài cầu Thượng Cát nằm trên tuyến vành đai 3,5 được khởi công trong năm nay, 4 cây cầu còn lại là Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc và Tứ Liên cũng sẽ được khởi công xây dựng, kết nối đôi bờ sông Hồng qua Vành đai 4 và các trục giao thông nội vùng, mở ra cơ hội để Hà Nội sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển mới, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Công việc ấy sẽ đưa Hà Nội vươn lên khẳng định vai trò, vị thế đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghiệp văn hóa, du lịch…
Vận thế mới, tầm nhìn mới, tư duy mới. Hà Nội sẽ là thành phố trung tâm của trung tâm, xứng tầm Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại; là nơi hội tụ tinh hoa, là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc... như Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định.