Bắt đầu từ việc nhỏ
Người dân Thủ đô vừa đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong không khí vui tươi, ấm áp, văn minh. Bên cạnh tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đón xuân nơi công cộng, nhiều gia đình còn chủ động mua các sản phẩm pháo hoa của nhà máy Z21 (Bộ Quốc phòng) về đốt cho không khí thêm sôi động, vui vẻ.
Hình ảnh pháo hoa, du xuân, đón Tết ngập tràn trên mạng xã hội. Ấy vậy nhưng cũng có một chi tiết nhỏ, rất đáng nói. Dù nhà máy Z21 đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc sử dụng, thu dọn sau khi đốt pháo, đặc biệt là với các sản phẩm giàn phun hoa, giàn phun viên, giàn phun viên nhấp nháy, nhưng không khó bắt gặp những trường hợp không thực hiện đúng hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường sau khi đốt pháo trong dịp Tết.
Cụ thể, theo hướng dẫn, người sử dụng phải đứng cách giàn pháo ít nhất 10m, sau khi đốt xong thì để nguội hoặc tưới nước cho tắt tàn lửa rồi bỏ vào thùng rác. Vậy mà, không khó bắt gặp hình ảnh những giàn pháo được mang ra giữa đường để đốt ngay ở thời khắc trước và sau giao thừa, có thể gây nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng tới các phương tiện lưu thông. Tệ hơn là sau khi đốt xong, thay vì thu dọn, giàn pháo bị vứt luôn trên đường, trở thành vật cản, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới môi trường.
Chiểu theo các quy định của pháp luật, những hành vi nói trên đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường..., có thể gây mất an toàn cho người khác, làm ảnh hưởng tới hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ngay trong dịp đầu xuân, ngày 19-2-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Một trong những yêu cầu được đặt ra là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân... Tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, cổ xúy cho lối sống, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của Thủ đô...”.
Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh: “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý...; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc”. Rõ ràng, để xây dựng nên một xã hội ngày càng văn minh thì cần có sự vào cuộc, trách nhiệm từ mỗi cá nhân, gia đình thông qua việc chấp hành các quy định của pháp luật, các quy tắc ứng xử.
Việc đốt pháo hoa là ví dụ nhỏ cho thấy, nếu mỗi gia đình đều nhận thức đúng thì sẽ hạn chế tối đa chuyện “được việc ta, phiền hà người khác”. Theo quan niệm truyền thống, để tránh "dông" cả năm thì đầu năm chỉ nên làm việc tốt đẹp, hữu ích. Đốt pháo đúng cách, thu dọn sạch sẽ để không làm ảnh hưởng tới người khác cũng chính là cách dạy dỗ con trẻ đầy ý nghĩa, tránh vi phạm các quy định pháp luật. Nhắc lại chuyện cũ của năm mới để hướng tới những điều tốt đẹp! Hãy cùng bắt đầu xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh bằng những việc nhỏ, ý nghĩa, ngay tại mỗi gia đình, ngay từ những ngày đầu xuân, năm mới!